Một số ngôi đình ở tỉnh Gia Lai như đình Tân Tạo (xã Thành An) và miếu An Xuyên (phường Tây Sơn)... còn lưu giữ nhiều tư liệu lịch sử giá trị.
Đề tài “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hán-Nôm trên địa bàn tỉnh Gia Lai” do Bảo tàng tỉnh Gia Lai chủ trì đã kế thừa thành quả của những người đi trước, tiếp tục bổ sung những khoảng trống về tài liệu, tiến tới xây dựng một bộ dữ liệu tương đối đầy đủ toàn diện về di sản Hán-Nôm tại tỉnh. Đây cũng là nền tảng, căn cứ khoa học đáng tin cậy để từ đó nhận thức đúng đắn về di sản văn tự.
Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn (thứ 2 từ trái sang) giải mã văn tự Hán-Nôm trên sắc thần tại đình Tân Tạo (xã Thành An, thị xã An Khê). Ảnh: Huỳnh Bá Tính
Thông tin trên Báo Gia Lai, Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn, chủ nhiệm đề tài cho biết từ trước tới nay, công tác thống kê, sưu tầm di sản Hán-Nôm tại Gia Lai có 3 mốc thời gian: giai đoạn 1937-1938 (do các nhà nghiên cứu Pháp và Việt Nam tiến hành); giai đoạn 1970-1980 (do các nhà sử học đến từ Hà Nội), đây cũng là mốc thời gian khởi điểm trong lịch sử nghiên cứu di sản Hán-Nôm trên địa bàn tỉnh tại vùng An Khê; giai đoạn 2016-2019 do ông Nguyễn Hồng Thắng thực hiện với đề tài khoa học cấp tỉnh "Lịch sử và văn hóa vùng đất An Khê, Gia Lai".
Tuy nhiên, di sản Hán - Nôm tại Gia Lai hiện chưa có những chuyên khảo, mà chủ yếu là sưu tầm và giới thiệu, trong đó chủ yếu tập trung vào tài liệu sắc phong ở một số ngôi đình tại An Khê.
Trong khi ngoài sắc phong thì gia phả, giấy tờ đất đai được lưu giữ tại các tư gia, văn tự trên các ngôi mộ cổ của người Kinh và trên ghè (thường là triện ghi tên/hiệu lò sản xuất) được người Jrai, Bahnar sử dụng cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi đây cũng là bằng chứng góp phần xác minh, khẳng định lịch sử di cư, định cư, giao lưu văn hóa của người Kinh, người Thượng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!