Đã thành thông lệ, từ nhiều năm nay, ngày 11 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, người dân thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội lại tổ chức nghi lễ rước vua, chúa từ đình làng ra đền Sái.
Theo các bậc cao niên trong làng kể lại, lễ rước kiệu nhằm tưởng nhớ công ơn của thần Huyền Thiên Trấn Vũ, đã có công giúp vua An Dương Vương diệt yêu tà, xây thành Cổ Loa. Tương truyền, đây là vị thần đã ra tay diệt được ma gà trắng núp ở Thất Diệu Sơn nên đức vua đã xây xong thành.
Thần Trấn Vũ được thờ tại đền Sái, vua chúa nhiều đời sau hàng năm về đây bái yết, nhưng do việc đi lại gây tốn sức người, sức của nên vua ban chiếu cho dân làng làm nghi lễ rước vua giả vào ngày 11/1 Âm lịch.
Mặc dù chiều ngày 11/1 mới là chính hội, nhưng ngay từ sáng sớm, các bậc cao niên đã chỉnh tề áo dài, khăn xếp, chuẩn bị cho lễ rước
"Chúa" ngồi trên kiệu vàng, được thắt dây đảm bảo an toàn trước giờ rước kiệu
Mỗi năm, người dân trong làng lại chọn ra những người cao tuổi xứng đáng để làm "vua", "chúa". Năm nay, cụ ông Lê Quang Bản (69 tuổi) vinh dự được chọn làm "chúa".
Vị "vua" của làng năm nay là cụ Nguyễn Phú Quý (71 tuổi). Người được phong vua phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe về tuổi tác, sức khỏe, đức độ và truyền thống của gia đình.
Kiệu vua, chúa được rước bởi những thanh niên khỏe mạnh nhất trong làng
Kiệu hoa rước phía trước kiệu của vua chúa sẽ do các cô gái xinh đẹp đảm nhận
Không chỉ các bậc cao niên, thanh niên trai tráng, trẻ em trong làng cũng có vinh dự tham gia vào lễ rước trong trang phục lính tuần
Đoàn rước đi tới đâu đều khiến không khí náo nhiệt và đông vui tới đó
Trong khi rước, cứ đi được một đoạn đường, trai tráng khênh kiệu chúa lại hô vang rồi chạy rầm rập để đón và dẹp đường cho kiệu vua đi sau
Chính vì thế, "chúa" ngồi trên kiệu nhiều phen nghiêng ngả, lắc lư trong tiếng hô của thanh niên và tiếng trống kèn rộn rã
Cụ ông được phong làm chúa phải thực sự khỏe mạnh mới có thể hòa mình được vào những màn quay kiệu hừng hực của trai tráng đang độ tràn trề sức vóc
Đi sau kiệu chúa, kiệu vua là võng lọng của các "quan đại thần"
Vợ con, người thân của các quan cũng được theo rước
Đoàn rước đi từ đình làng ra đền Sái. Không khí nhộn nhịp, rộn ràng bao trùm khắp một vùng quê.
Đôi lúc, kiệu phải dừng lại để người thân của "chúa" chỉnh lại trang phục cũng như kiểm tra dây an toàn, đảm bảo cho "chúa" ngồi được vững chãi tới khi đến đền
Kiệu chúa được đưa về đền Sái làm lễ tế
Vị "chúa" được cởi đai thắt, thở phào vì đã an toàn về tới đền
Con trai của "chúa" luôn đi cùng trong suốt lễ rước, anh lau mồ hôi và chỉnh trang phục cho bố để ông bước vào buổi tế
Trong khi "chúa" sẽ làm lễ tế ngay tại đền Sái, "vua" lại cử hành lễ ngay tại đền Thượng cùng các quan đại thần
4 vị quan đại thần tượng trưng gồm: quan Thị vệ, quan Tán lý, quan Đề lĩnh và quan Trấn thủ
13h chiều, nghi lễ rước vua và chúa sống chính thức được diễn ra từ đền Sái quay trở về đình làng
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!