Những kỹ sư âm thanh đóng góp một phần lớn vào thành công cho mỗi sản phẩm âm nhạc.
Trong vài năm trở lại đây, thị trường âm nhạc tại Việt Nam đang ngày càng sôi động và phát triển. Dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng nhiều nghệ sĩ vẫn có những sản phẩm chất lượng qua hình thức nhạc trực tuyến Streaming. Đóng góp cho thành công của mỗi ca khúc, bản nhạc, không thể không nói tới những kỹ sư âm thanh.
Phóng viên VTV đã có buổi trò chuyện với kỹ sư âm thanh Chiến Lê (thường được biết tới với biệt danh phù thủy phòng thu) để hiểu hơn về nghề này.
- Hiện nay, nghề thu âm đang ngày càng phát triển tại Việt Nam. Anh đánh giá ra sao về điều này?
Tôi đánh giá đó là một tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của thị trường âm nhạc Việt Nam. Gần đây, thị trường âm nhạc Việt Nam đang có những bước thay đổi và phát triển với những trào lưu âm nhạc, những hiện tượng mạng. Chính vì sự phát triển đó mà nghề thu âm cũng ngày càng được chú ý và quan tâm hơn, nhất là đối với những bạn trẻ. Chính họ đã thổi vào nghề một làn gió mới với rất nhiều màu sắc, sự sáng tạo, mình rất thích thú với điều đó.
Nghề thu âm phát triển làm cho những người người làm nghề như mình ngày càng được chú ý đến và cảm thấy được tôn trọng hơn rất nhiều. Chính sự tôn trọng đó khiến cho anh em trong nghề càng muốn cống hiến hơn.
Với kỹ sư âm nhạc, rèn luyện đôi tai là một điều cần thiết.
- Là một người đã làm lâu năm trong nghề, theo anh điều gì đóng vai trò quan trọng nhất đối với một kỹ sư âm thanh?
Không chỉ riêng với nghề thu âm, tôi thấy rằng dù làm bất cứ một nghề nào, điều quan trọng nhất phải có đam mê. Từ đó chúng ta mới yêu thích và mong muốn theo đuổi công việc đó tới cùng dù khó khăn hay thậm chí hy sinh điều gì đó trong cuộc sống cá nhân.
Bạn phải đam mê mới có thể dành thời gian gần như cả ngày để ngồi trước máy tính. Phải đam mê mới có thể bỏ qua được những thú vui đời thường để ngồi một chỗ trong phòng thu âm, mixing và mastering.
Để trở thành một kỹ sư phòng thu có rất nhiều cách, rất nhiều hướng đi cho mọi người như: tự học qua mạng, học qua trường lớp, học qua các đàn anh đi trước... Không có hướng đi nào là sai cả, mỗi hướng đi lại phù hợp với những xuất phát điểm khác nhau ở mỗi người. Sự rèn luyện chăm chỉ và luôn tìm tòi, học hỏi chính là chìa khóa quan trọng để có thể thành công khi làm nghề này. Bạn có chăm chỉ hàng tháng, hàng năm trời nhưng nếu không có sự cầu thị, học hỏi, bạn chỉ giậm chân tại chỗ mà thôi.
Với nghề này, rèn luyện đôi tai là một điều cần thiết. Khi đã có được đôi tai nhạy bén rồi, bạn có thể quan sát, lắng nghe và nhìn nhận thị trường âm nhạc. Từ đó tìm ra được màu sắc riêng cho sản phẩm để phù hợp với thị hiếu của người nghe nhạc.
- Được nhiều ca sĩ, nghệ sĩ trong showbiz tin tưởng, "chọn mặt gửi vàng", anh cảm thấy ra sao và có áp lực lớn không?
Thời gian đầu, khi mới nhận được sự ủng hộ của anh chị em nghệ sĩ, tôi cũng áp lực lắm. Lúc nào cũng nặng trong đầu suy nghĩ phải làm sao cho sản phẩm thật hay để đền đáp sự tin tưởng đó của mọi người. Bên cạnh đó, tôi phải liên tục lắng nghe sản phẩm, lắng nghe những suy nghĩ, yêu cầu mà khách hàng muốn có trong sản phẩm của mình…
Sau ngần ấy năm đam mê và bám trụ với nghề cũng như nhận được rất nhiều sự tin tưởng của anh chị em nghệ sĩ, giờ đây mình không còn thấy chút áp lực nào, thay vào đó là niềm vui, sự trân trọng đối với từng khách hàng đến với mình, không kể đó có phải nghệ sĩ lớn hay không. Giờ đây, bản thân tôi chỉ tập trung vào việc là làm sao thổi cảm xúc vào từng bản thu âm, để sản phẩm sau khi phát hành nhận được sự đón nhận, đánh giá cao từ khan giả. Đó chính là thành công lớn của tôi rồi (cười).
Bên trong một phòng thu chất lượng
- Ngoài là một kỹ sư âm thanh, anh còn là một người thầy? Vậy anh có thấy nhiều sự khác biệt giữa hai vị trí này không?
Nhắc đến từ "thầy" thật sự là đến tận bây giờ tôi vẫn còn thấy rất e ngại. Cơ duyên để thành một người thầy thật sự là cả một quãng đường rất dài, tôi không biết phải kể từ đâu nhưng đó là món quà nghề thu âm ban tặng cho tôi.
Vì con đường đến với nghề của tôi gần như do tự bản thân học hỏi và tìm tòi qua bao nhiêu năm tháng nên chưa bao giờ tôi nghĩ tới một ngày mình sẽ mang những kiến thức đó để có thể dạy cho người khác. Tôi cứ cố gắng công việc của mình cho đến khi được mọi người công nhận, tin tưởng và ủng hộ. Mọi người bắt đầu biết đến mình qua những sản phẩm của anh chị em nghệ sĩ và tìm đến với mong muốn học hỏi để có thể làm nghề. Đó là điều khiến tôi thấy rất vui và bất ngờ.
Khi thu âm, người kỹ sư phải cảm nhận, lắng nghe cách hát và xử lý bài hát cho khách hàng. Còn khi dạy học, tôi cố gắng làm sao truyền tải đầy đủ, dễ hiểu về cách nghe, cách làm tốt nhất đến học viên. Khi đứng ở 2 vị trí, tôi thấy đều cần phải có sự yêu thích và cống hiến mới có thể hoàn thành tốt được. Dạy học sẽ phần nào phức tạp, khó hơn so với việc làm kỹ sư âm thanh vì phải giải thích kiến thức của mình thật dễ hiểu, logic cho học viên và tất nhiên không phải học viên nào cũng có khả năng tiếp thu giống nhau. Dạy là một chuyện, tôi còn phải lắng nghe và tìm hiểu kỹ về khả năng của mỗi học viên từ đó tìm ra cách thức rèn luyện riêng cho mỗi người.
- Anh có thể bật mí một chút về đời sống cá nhân và những dự định sắp tới của mình không?
Mới đây, tôi có kế hoạch sẽ phát triển phòng thu theo một mô hình hiện đại và tôi nghĩ còn khá mới ở Việt Nam. Để thực hiện được kế hoạch đó, hiện tại tôi sẽ tập trung hơn nữa vào công việc để mở rộng mối quan hệ với khách hàng. Tôi muốn thương hiệu "Chiến Lê Records" sẽ ngày càng nổi bật và nhận được nhiều sự tin tưởng, ủng hộ của mọi người nên trong tương lai, tôi sẽ hiện đại hóa hơn trong cách làm việc cũng như màu sắc của mỗi sản phẩm làm ra.
Bên cạnh đó, việc học hỏi thêm những cái hay có thể áp dụng vào trong nghề là điều tôi hướng. Từ đó, có thể tổng hợp và lên cho bản thân được giáo án ngày càng hoàn thiện hơn để đào tạo ra ngày càng nhiều những học viên chất lượng, góp phần cho sự phát triển của nghê thu âm nói riêng cũng như thị trường âm nhạc Việt Nam nói chung.
Và tất nhiên ngoài công việc ra, sắp tới sẽ là khoảng thời gian tôi cần cố gắng thật nhiều để xây dựng cho gia đình nhỏ của mình. Làm việc nhưng không được quên nghĩa vụ làm cha, làm chồng và là trụ cột của gia đình. (cười).
- Xin cảm ơn anh!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!