Năm 1774, mẫu vật 73002 này đã được chụp X quang (ảnh trên), sau đó năm 2019 lại được chụp bằng công nghệ mới là cắt lớp vi tính (ảnh dưới)
Chiếc hộp hình trụ dài 61 cm, đường kính 4 cm chứa mẫu đất và đá trên bề mặt Mặt Trăng, đã được mở tại Trung tâm Vũ trụ Johnson ở Houston, Mỹ. Hiện nay nhóm các nhà nghiên cứu của NASA và các cơ quan vũ trụ một số nước cùng nghiên cứu mẫu vật này nhằm mục đích đưa con người trở lại Mặt Trăng vào năm 2024. Mục tiêu cuối cùng của nghiên cứu là duy trì sự hiện diện của con người trên Mặt Trăng từ năm 2028 trở đi để làm bệ phóng cho những chuyến du hành đến sao Hỏa. Đó là kế hoạch của tương lai, còn hiện tại hộp mẫu đất 47 năm tuổi do tàu Appolo mang về vẫn chứa đựng câu chuyện của riêng nó.
Ông Francis McCubbin, cán bộ phụ trách các vật liệu vũ trụ của NASA ở Trung tâm vũ trụ Johnson cho biết trong 50 năm qua, các công nghệ phục vụ nghiên cứu khoa học của chúng ta đã phát triển nhanh chóng và các nhà khoa học hiện nay có thể phân tích các mẫu vật này tốt hơn nhiều so với trước kia. Việc phân tích các mẫu vật lần này sẽ cho chúng ta biết thêm rất nhiều về Mặt Trăng, từ đó có thể hoàn thiện các công nghệ phục vụ cho công tác nghiên cứu mẫu vật mà các con tàu vũ trụ sau này sẽ đem về.
Đá Mặt Trăng đã lộ diện
Trong hai năm 1971 và 1972, các nhà du hành trên các con tàu Apollo 15, 16 và 17 đã lấy được các mẫu vật từ Mặt Trăng đem về Trái Đất cho mục đích nghiên cứu sau này. Phần lớn các mẫu này đã được mở ra xử lí, một số còn lại vẫn được niêm phong nguyên trạng ban đầu, để dành chờ khi có những tiến bộ công nghệ mới cho phép phân tích được nhiều hơn và chất lượng hơn. Hộp mẫu lần này được mở có mã số 73002, do hai nhà du hành Gene Cernan và Jack Schmitt lấy ở khu vực gần hố va chạm Lara trên Mặt Trăng.
Ngay cả việc mở hộp mẫu vật cũng được tiến hành bằng công nghệ cao. Các nhà nghiên cứu của Trường đại học Texas, Mỹ đã sử dụng phương pháp chụp cắt lớp vi tính bằng tia X để thu được những hình ảnh cắt ngang của một vật thể, nhờ đó mà xác định được vị trí của các mẫu vật nằm trong hộp hình trụ ống. Các nhà khoa học cũng ghi lại vị trí của từng hòn sỏi, từng viên đá nhỏ trong này. Sau đó mẫu vật sẽ được lấy ra khỏi ống nhưng vẫn ở bên trong một chiếc hộp chứa khí nitrogen khô, gắn kín với một đôi găng tay và các nhà nghiên cứu sẽ không trực tiếp chạm vào mẫu vật mà chỉ sờ nắn chúng qua lần găng tay này. Sau 25 năm quy trình xử lí mẫu vật này mới lại được áp dụng trở lại, NASA cho biết.
Sau đó mẫu vật số 73002 sẽ được chia nhỏ và gửi từng phần đến cho từng nhóm nghiên cứu tham gia vào sáng kiến “Phân tích mẫu vật Apollo thế hệ kế tiếp của NASA” (ANGSA). Họ sẽ dùng phương pháp khối phổ để xác định các phân tử có mặt trong mẫu vật. Kết quả sẽ hiển thị bằng hình ảnh 3D và và tìm hiểu sâu hơn bằng nghiên cứu vi phẫu. Phương pháp vi phẫu phân giải cao sẽ giúp các nhà nghiên cứu nhìn thấy được cấu trúc và thành phần của mẫu vật mà trước đây chưa thể biết được.
Một mẫu vật khác mang số 73001 cũng được thu thập cùng thời điểm với mẫu 73002, nhưng khác với mẫu 73002, mẫu 73001 được cất trong một tủ chân không ngay từ trên Mặt Trăng và sau đó khi về đến Trái Đất, tủ chân không này lại được chuyển vào cất trong một tủ chân không nữa lớn hơn. Như vậy là mẫu 73001 không chỉ chưa đựng mỗi đất đá mà còn cả các loại khí trên Mặt Trăng nữa. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu để tìm ra cách thu hồi lại những loại khí này sau khi mở hộp mẫu vật. Dự kiến hộp mẫu 73001 này sẽ được mở vào đầu năm 2020.
Ông Charles Shearer – đồng trưởng nhóm ANGSA nhận định các kết quả nghiên cứu mẫu vật này sẽ cho biết rất nhiều thông tin chi tiết về mặt trăng, trong đó có lịch sử những lần bề mặt mặt trăng bị tác động, hiện tượng đất trượt xảy ra trên mặt trăng như thế nào và lớp vỏ mặt trăng đã tiến hóa ra sao. Từ đó NASA sẽ hiểu được rõ hơn sự hình thành và phát triển của các bể chứa khí cũng như quá trình tiến hóa và tương tác của các bể chứa này trên mặt trăng và các thiên thể khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!