Về với làng Hoạch An, xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội những ngày này, người ta dễ dàng cảm nhận hương thơm lá mùi già đã lan tỏa khắp các cánh đồng, trong từng góc sân nhà của người dân. Lá mùi được trồng quanh năm nhưng dịp Tết là vụ thu hoạch lớn nhất do nhu cầu sử dụng lá mùi già để tắm rửa; tẩy uế bàn thờ, bát hương, nhà cửa, nhằm xua đuổi vận rủi của năm cũ, đón chào điều tốt đẹp trong năm mới.
Tập tục tắm lá mùi chiều 30 Tết hay còn được gọi là “Tục tẩy trần đêm tất niên” đã tồn tại từ xa xưa. Dù đã trải qua nhiều thế hệ nhưng tục lệ này vẫn được gìn giữ đến ngày nay. Không chỉ mang ý nghĩa xua đuổi vận xui, theo y học, cây mùi có vị cay, tính ấm giúp lưu thông khí huyết và phục hồi sức khỏe nên khi tắm mang lại cảm giác thoải mái, dễ chịu cho người dùng.
Gia đình ông Lê Văn Bờ đã bắt đầu công việc thu hoạch lá mùi già từ ngày 24 tháng Chạp âm lịch. Dù công việc không quá nặng nhọc nhưng tốn nhiều thời gian của người nông dân bởi đòi hỏi nhiều công đoạn, như gieo hạt từ tháng 9, sau đó chăm bón, cắt tỉa và làm cỏ. Cây mùi sau khi được tập kết tại ruộng sẽ được người dân bó thành từng bó nhỏ vừa nắm tay và buộc lại bằng lạt tre hoặc rơm khô.
"Giá thành của một bó to gồm mười bó nhỏ vừa nắm bàn tay mọi năm dao động khoảng từ 70 đến 80 nghìn đồng. Năm nay giá có chút nhỉnh hơn là 100 nghìn, nhà nào cây đẹp, nhiều quả thì lên đến 120 nghìn. Bây giờ cũng ít người trồng hơn vì công việc này tốn công mà không có nhiều giá trị kinh tế. Ngày xưa thì khoảng 80% người dân trong làng trồng nhưng đến giờ chỉ có khoảng 30% thôi. Các nhà đa phần chuyển sang làm rau màu như su hào", ông Bờ chia sẻ.
Cả gia đình ông Lê Văn Bờ tranh thủ ngày cuối tuần thu hoạch lá mùi già để cung cấp cho các chợ nội thành
Anh Lê Văn Luật (con trai ông Bờ) có công việc chính là bán hoa quả. Anh cho rằng việc duy trì trồng rau mùi là rất khó khăn
Dù số lượng cây mùi trong làng dần ít nhưng ông Bờ khẳng định loại cây này sẽ không thể mất đi vì công dụng của nó và bởi truyền thống của làng. Bà Lê Thị Liên tại làng Hoạch An cũng chia sẻ: “Tôi rất thích lá mùi và ngày nào cũng dùng lá mùi này. Mùi non thì mình ăn mà mùi già thì mình dùng để tắm rửa. Hơn nữa, lá mùi gợi đến không khí ngày Tết nên dù làm hơi vất vả nhưng tôi vẫn muốn con cái mình có thể tiếp lục duy trì nghề truyền thống này”.
Gia đình bà Lê Thị Hiên nhặt sạch và bó mùi trước khi giao cho khách
Có lẽ hương mùi già đã trở thành hương thơm quen thuộc với tuổi thơ của nhiều thế hệ, không chỉ đối với người dân làng Hoạch An. Khi hương lá mùi ngập tràn trong các gia đình cùng với sắc hoa đào, hoa mai cũng là lúc Tết đã thực sự gõ cửa. Xuân về, đâu cần điều gì đắt tiền hay xa xỉ, người ta chỉ muốn trở về với những điều bình dị, thân thương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!