Một số người nhận thấy rằng mặc dù đã tập thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh, họ vẫn không thể giảm cân như mong muốn. Trong trường hợp này, nguyên nhân có thể nằm ở một loại hormone mà cơ thể sản xuất có tên là cortisol.
Cortisol có vai trò rất quan trọng vì đây là hormone giúp chúng ta phản ứng khi có nguy hiểm. Tuy nhiên, mức cortisol cao trong một thời gian dài có thể gây ra một loạt các vấn đề về sức khỏe, được tóm gọn trong một hội chứng với tên gọi là Cushing.
Thông thường, cortisol được tạo ra liên tục khi bạn trải qua căng thẳng kéo dài. Đó là lý do tại sao cortisol còn được gọi là hormone căng thẳng. Việc chất này được sản xuất quá nhiều sẽ làm phá hủy cơ bắp, thay đổi quá trình trao đổi chất một cách tiêu cực, tạo ra mỡ bụng và những thứ khác.
Những triệu chứng của tình trạng cortisol cao bao gồm:
- Thay đổi tâm trạng: tức giận, lo lắng, trầm cảm.
- Luôn thấy mệt mỏi ngay cả khi bạn không làm gì.
- Nhức và đau đầu.
- Đánh trống ngực và / hoặc tăng huyết áp.
- Ăn không ngon hoặc ăn quá mức, tăng cân không có nguyên nhân rõ ràng.
- Có vấn đề về tiêu hóa.
- Thường xuyên đi tiểu, táo bón hoặc tiêu chảy.
- Gặp nhiều vấn đề về giấc ngủ.
- Mất trí nhớ.
- Hệ miễn dịch suy giảm.
- Mọc nhiều râu và xuất hiện nhiều nếp nhăn.
- Mặt sưng, có ngấn mỡ ở cổ.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều cách để bạn có thể kiểm soát và hạn chế cơ thể sản xuất quá nhiều cortisol.
1. Ăn uống:
Hãy tránh xa những loại đồ uống có chứa caffeine, rượu, thực phẩm có hàm lượng đường cao, chất tạo ngọt (đặc biệt là aspartame) và tránh nạp quá nhiều kali. Trong khi đó, đậu, ngũ cốc nguyên hạt và hạt hướng dương là những lựa chọn tốt cho cơ thể.
Bạn nên bổ sung phosphatidylserine cho cơ thể thông qua việc ăn cá, đặc biệt là cá thu, cá trích, cá chình, cũng như các nguồn protein chất lượng. Bạn nên nạp nhiều phenylalanine từ thịt gà, trứng, gạo lứt, bông cải xanh, bí ngô, cải xoong và atisô. Tryptophan cũng là một dưỡng chất cần thiết, có trong gạo lứt, đậu nành, hạt có dầu, thịt, trứng, sữa,... Ngoài ra, đừng quên nạp đủ vitamin B5 trong chà là, hạnh nhân, sữa, cá hồi, mầm lúa mì và bột yến mạch.
Các bữa ăn nên được cách quãng đều đặn trong ngày. Bạn có thể ăn 5 lần một ngày với khẩu phần hợp lý, chỉ cần đừng bỏ bữa bởi điều này là tác nhân dẫn đến việc sản xuất nhiều cortisol.
2. Sinh hoạt:
Tập thể dục: Hãy tập luyện 3 lần một tuần, mỗi lần không quá 1 tiếng đồng hồ, bởi vận động thể chất quá nhiều cũng làm tăng cortisol. Bạn cũng không nên tập luyện 7 ngày liên tiếp trong tuần, hãy dành ra ít nhất 2 hoặc 3 ngày để nghỉ ngơi.
Ngủ đủ giấc và thư giãn: Hãy quan tâm đến giấc ngủ của bạn. Bạn cần ngủ từ 8 đến 10 giờ để mức cortisol giảm xuống và cơ thể có đủ thời gian để phục hồi. Bên cạnh đó, hãy thử tìm hiểu một số phương pháp thư giãn hoặc thiền định và kết hợp chúng vào cuộc sống thường ngày.
Tránh chất kích thích: Hạn chế hết mức có thể các loại nước tăng lực, caffeine hoặc rượu. Trong khi đó, các thực phẩm chức năng hoặc viên uống chống căng thẳng chứa vitamin C, rhodiola, vitamin B5, axit folic, vitamin A, kẽm, nhân sâm, cam thảo, crom, magiê, canxi,... là lựa chọn hợp lý hơn.
Uống nhiều nước: Cuối cùng, đừng quên cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày. Bạn nên tạo thói quen uống một cốc nước vào buổi sáng khi vừa thức dậy, và uống một cốc nước khác trước khi đi ngủ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!