Nhiều người thường “đổ lỗi” cho những ngày nghỉ và dịp lễ cuối năm vì các bữa tiệc liên miên để giải thích cho xu hướng tăng cân ồ ạt. Tuy vậy, nhiều nghiên cứu và khảo sát đã cho thấy rằng việc thay đổi cân nặng này không đơn thuần chỉ là do các buổi tụ tập và giao lưu đặc trưng cuối năm. Dưới đây là những lý do có cơ sở khoa học, giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng lên cân ngoài kiểm soát.
1. Tăng cường trao đổi chất
Vào mùa đông, quá trình trao đổi chất của được đẩy mạnh đáng kể khi cơ thể đốt cháy nhiều năng lượng hơn để ổn định nhiệt độ và giữ ấm. Do nhu cầu này mà cảm giác thèm ăn tăng lên, khiến ta cần nhiều thức ăn hơn bình thường để đáp ứng tốc độ trao đổi chất mới.
Giải pháp: Hãy giữ cho nhiệt độ của cả môi trường và cơ thể được ấm áp, thoải mái nhằm giảm thiểu tối đa phần năng lượng tiêu tốn cho việc tự sưởi ấm, từ đó hạn chế xu hướng ăn uống quá mức.
2. Tế bào dự trữ nhiều chất béo hơn
Một nghiên cứu cho thấy tế bào mỡ ở người phản ứng tích cực với ánh nắng ban ngày. Những tế bào gần da nhất khi tiếp xúc với ánh sáng Mặt trời sẽ thu nhỏ kích thước, do đó tích trữ ít chất béo hơn. Vì vậy, thời gian thiếu ánh nắng như mùa đông có thể thúc đẩy khả năng lưu trữ chất béo của tế bào, khiến chúng ta dễ tăng cân hơn.
Giải pháp: Tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên nhiều nhất có thể. Bạn nên thức dậy sớm để có cơ hội đón bình minh và dành nhiều thời gian ở ngoài trời, tranh thủ để “tắm mình” trong ánh nắng ban ngày.
3. Cơ thể chuẩn bị để “ngủ đông”
Giống với gấu, con người cũng có xu hướng “ngủ đông”. Nghiên cứu khoa học nhận thấy rằng bản năng nguyên thủy khiến cơ thể vô thức dự trữ calo, như cách loài gấu chuẩn bị ngủ dài ngày. Cơ chế này là để đối phó với nỗi sợ hãi thiếu hụt lương thực vào mùa lạnh.
Giải pháp: Hãy thư giãn và đừng quá lo lắng bởi đây là bản năng tự nhiên của con người. Có thể bạn
4. Ăn để làm ấm cơ thể
Cái lạnh có thể kích hoạt một số thay đổi hành vi, khiến cơ thể có xu hướng tích trữ chất béo. Cụ thể trong đó là việc ăn, hành động này được xem như một cách để nâng cao nhiệt độ cơ thể. Nhiệt được sinh ra khi cơ thể chuyển hóa các chất, vì vậy mà ta sẽ thèm ăn hơn nhiều để giữ nhiệt và làm ấm, trong đó bao gồm những thức ăn nhiều đường như bánh ngọt và đồ ngọt.
Giải pháp: Hãy ăn nhiều thực phẩm cần nhiều thời gian để tiêu hóa, như thức ăn giàu chất béo tốt, đạm và tinh bột để giữ nhiệt cho cơ thể lâu hơn. Chuối cũng là một lựa chọn tốt nhờ lượng vitamin B và magie dồi dào, tích cực hỗ trợ tuyến giáp và tuyến thượng thận điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.
5. Cơ thể dễ buồn ngủ hơn
Tình trạng thiếu ánh sáng Mặt trời và ngày ngắn vào mùa đông có ảnh hưởng nhất định đến nội tiết tố trong cơ thể. Các tuyến tùng phản ứng với sự thiếu hụt ánh nắng bằng cách sản xuất nhiều melatonin hơn, vốn là hormone chịu trách nhiệm cho chu kỳ ngủ-thức. Vì vậy, ta có xu hướng cảm thấy buồn ngủ nhiều, trong khi mức melatonin cao hơn có thể làm tăng cảm giác thèm ăn.
Giải pháp: Bạn có thể kiểm soát việc sản xuất melatonin bằng cách để tâm đến lựa chọn thực phẩm và chủ động đón nắng ban ngày. Cà chua, ô liu, ngũ cốc, sữa chưa chế biến và hạt cà phê là những thức ăn có chứa lượng melatonin đáng kể. Nạp nhiều vitamin và khoáng chất cũng là một cách để giữ cân bằng melatonin và cải thiện sức khỏe toàn diện.
6. Xu hướng ít vận động hơn
Thời tiết lạnh giá làm giảm động lực vận động và tập luyện. Bên cạnh đó, độ dài ban ngày vào mùa đông cũng ngắn hơn, khiến ta có xu hướng “lười” ra ngoài và hoạt động năng nổ. Do vậy, không ngạc nhiên khi lối sống có phần thụ động và dành nhiều thời gian trong nhà hơn vào mùa lạnh dễ dàng tạo điều kiện để cơ thể lên cân nhanh chóng.
Giải pháp: Bạn có thể chuyển sang các bài tập có thể thực hiện tại nhà, đồng thời chủ động nhắc nhở bản thân hoạt động nhiều hơn. Một trong những phương án dễ thực hiện là bổ sung khoảng thời gian đi bộ ngắn 20-30’ mỗi ngày. Bạn cũng có thể thử sức với những môn thể thao mùa đông để giúp cơ thể khỏe mạnh mà vẫn có thể vui chơi thoải mái.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!