Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra báo cáo rằng 60% các bệnh truyền nhiễm mới nổi trên toàn cầu có nguồn gốc từ động vật hoang dã và vật nuôi. Trong ba thập kỷ qua, hơn 30 mầm bệnh mới ở người đã được phát hiện, và 75% trong số đó xuất phát từ động vật. Có thể thấy, các bệnh lây truyền từ động vật sang người là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới, điển hình là COVID-19 và đợt bùng phát cúm gia cầm gần đây.
Hiện nay, việc buôn bán da lừa là hoạt động không được kiểm soát dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng cho loài lừa và các cộng đồng phụ thuộc vào lừa. Lừa là loài động vật rất thông minh, nhạy cảm có đóng góp to lớn cho sự phát triển cuộc sống ở các cộng đồng sử dụng sức lừa trên khắp thế giới.
Hiện nay, nhu cầu bùng nổ gelatin từ da lừa được sử dụng để bào chế một loại thuốc cổ truyền gọi là “ejiao” (cao da lừa) ở Trung Quốc đang thúc đẩy hoạt động buôn bán lừa bất hợp pháp, đe dọa sinh kế của nông dân châu Phi.
Tiến sĩ Filip Claes, Điều phối viên phòng thí nghiệm khu vực của Trung tâm Khẩn cấp về Dịch bệnh Động vật Xuyên biên giới (Emergency Center for Transboundary Animal Diseases - ECTAD), thuộc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), trụ sở tại Bangkok, Thái Lan cho biết, Thái Lan và Việt Nam có thể là điểm trung chuyển của hoạt động buôn bán da lừa. Điều kiện sinh thái của Thái Lan và Việt Nam rất thuận lợi cho các dịch bệnh từ động vật sang người. Để hạn chế khả năng bùng phát dịch bệnh, cách tối ưu nhất là làm cho nhu cầu biến mất hoặc cấn có các quy định xuất nhập khẩu nghiêm ngặt để kiểm soát việc buôn bán một cách an toàn.
Trong quá trình vận chuyển, hầu hết da lừa được trộn lẫn cùng với các sản phẩm từ nhiều loại động vật hoang dã và chúng có thể được sử dụng để ngụy trang cho các bộ phận của các loài có nguy cơ tuyệt chủng bị cấm buôn bán như ngà voi và vảy tê tê. Việc trộn lẫn thiếu kiểm định này có thể dẫn đến sự lây nhiễm chéo không ngờ tới từ các mầm bệnh vốn không có cơ hội tiếp xúc với nhau trong cuộc sống.
Tiến sĩ Filip Claes đã chỉ ra rằng collagen từ lừa có thể được sản xuất một cách an toàn và nhân đạo với quy trình của nông nghiệp tế bào: "Chúng tôi đang khuyến khích các nhà sản xuất ejiao chấm dứt việc buôn bán da lừa và chuyển từ sử dụng collagen từ lừa thật sang collagen được sản xuất trong phòng thí nghiệm bằng quy trình nông nghiệp tế bào. Để thúc đẩy điều này, chúng tôi đang nỗ lực nâng cao nhận thức về những ưu điểm của công nghệ này như tính an toàn, đảm bảo vệ sinh và nhân đạo, cũng như giáo dục về sự tàn nhẫn, phá hoại và rủi ro không cần thiết liên quan đến việc buôn bán lừa toàn cầu để lấy collagen chiết xuất từ da của chúng".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!