Sự xuất hiện của người thứ ba trong cuộc sống hôn nhân là một trong những lí do khiến nhiều gia đình tan vỡ và gây nhiều đau khổ cho những người liên quan. Chưa có con số thống kê cụ thể nhưng qua mật độ các bức thư tâm sự xuất hiện ngày càng nhiều trên các báo, qua nghiên cứu lí do các vụ li dị trong chục năm trở lại đây, nhiều chuyên gia xã hội học và tâm lí học cho rằng: Tình trạng ngoại tình đang có xu hướng tăng lên ở Việt Nam. Thực tế này cho thấy có những nguyên tắc trong hôn nhân đang bị phá vỡ khi xã hội ở giai đoạn chuyển đổi cả về kinh tế và văn hóa.
Chị Nguyễn Vân Anh, Chuyên gia tâm lý đã làm việc lâu nay trong lĩnh vực giới, tiếp xúc với nhiều phụ nữ và cả nam giới có đời sống hôn nhân trắc trở đã có những chia sẻ về chủ đề rất đáng quan tâm này.
Theo quan điểm của chị, ngoại tình là gì? Người thì nghĩ rằng, khi một người đã có gia đình, lại có tình cảm, dù trong ý nghĩ, với người thứ ba, đó là ngoại tình. Người lại cho rằng, giữa hai bên phải xảy ra quan hệ tình dục thì đó mới là ngoại tình?
Ngoại tình ai cũng hiểu đó là mối quan hệ luyến ái ngoài hôn nhân. Nó chung một từ là ngoại tình nhưng tôi nghĩ nó có hàng trăm loại khác nhau và không phải tất cả đều đáng lên án. Có một câu nói thế này, có thể sẽ nhiều người phản đối, đã là tình yêu thì không có ngoại và nội, đơn giản nó là tình yêu. Đúng như bạn nói, mỗi người có một nguyên tắc, một quan điểm riêng trong đời sống vợ chồng, trong quan hệ tình cảm, vì thế ở mức độ nào, tư tưởng hay hành động được coi là ngoại tình, tôi cho là định nghĩa của mỗi người. Nhưng tựu trung, thì tình yêu và mối quan hệ hôn nhân, bản chất của nó là không chấp nhận sự chia sẻ. Không ai vui vẻ khi thấy vợ, chồng, người yêu của mình yêu đương, nhung nhớ hay có hành động yêu đương với người khác.
Chị nhìn nhận như thế nào về ngoại tình?
Tôi nhìn ngoại tình như một chuyện tất yếu của xã hội loài người. Có con người là có cảm xúc yêu đương. Cái mâu thuẫn là người ta vừa muốn có cảm giác an toàn, yên bình, vừa luôn bị hấp dẫn bởi sự mới mẻ và khác lạ. Mà trong hôn nhân thì điều này là cực khó. Tôi vẫn nghĩ mối quan hệ phức tạp và khó cân bằng nhất là mối quan hệ hôn nhân. Vì thế nên các nguyên tắc sống chính là sợi dây để gìn giữ những cái gì là giá trị cơ bản và đảm bảo được khao khát của không chỉ một người, mà của cả các thành viên khác trong gia đình.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, có tình yêu sau khi hôn nhân, với một đối tác mới là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra, đó là chuyện bình thường. Ứng xử như thế nào mới là câu chuyện cần bàn. Ứng xử thế nào còn tùy vào tính cách và quan niệm của cá nhân. Bạn coi trọng sự bình yên, bạn không thể chấp nhận sự tổn thương của người khác, quan hệ vợ chồng của bạn cơ bản vẫn còn tình yêu thương, thì có thể bạn sẽ chọn gia đình. Còn nếu bạn là người luôn phải coi trọng cảm giác mãnh liệt, bình yên với bạn là cũ kỹ nhàm tẻ, không chịu đựng nổi, mối quan hệ cũ của bạn đã vỡ toác, hoặc tồi tệ vô cùng, bạn sẽ chọn cách bỏ gia đình cũ để xây dựng mối quan hệ mới. Bi kịch nhất cho người trong cuộc và người liên quan là bạn không thể chọn nổi. Bạn bị giằng co và muốn song song tồn tại cả hai, hoặc bạn nghĩ mình có thể ổn với cả hai… thì sẽ là không ổn cho tất cả.
Vài năm trở lại đây, việc người đã có gia đình nhưng lại ngoại tình có xu hướng tăng hơn trước. Chị nghĩ là nguyên nhân vì sao?
Chúng ta trải qua một thời gian dài sống trong các quan niệm khá hà khắc về đời sống luyến ái. Bạn thấy ngày nay có một số từ như từ “ hủ hóa” hay “chửa hoang" dường như đã biến mất khỏi hệ thống ngôn ngữ. Những từ đó gắn với thời mà chúng ta đánh giá khắt khe duy ý chí về các quan hệ tình cảm, tình yêu. Các mối quan hệ riêng tư đều bị đặt trong lợi ích chung của cộng đồng và người ta nhiều khi phải hi sinh những tình cảm, quan hệ thậm chí không làm phương hại đến ai chỉ vì những quan niệm hà khắc của số đông. Vâng, có một thời gian dài, điều đó đã quá khắc nghiệt và thiếu tính nhân văn.
Khi nhận ra điều đó, con người bên cạnh việc muốn phá bung cái rào cản vô lý, thì cũng quá đà phá bung luôn cả những hàng rào luân lý hết sức có lý. Việc đề cao các cảm xúc cá nhân cũng cực đoan đến mức bất chấp các cảm xúc, tổn thương của những người khác, nghĩa là sự xóa bỏ cả những nguyên tắc mà lẽ ra nó cần thiết phải duy trì.
Tôi tin rồi sau một thời gian quá độ như vậy, mọi chuyện sẽ lập lại cân bằng, sự cân bằng là điều cần thiết của mọi gia đình, xã hội. Nó sẽ rõ hơn cái gì được phép, cái gì không được phép, cái gì có thể thông cảm, hiểu và thể tất, cái gì là không thể tha thứ, đâu là những cảm xúc nhân văn đáng trân trọng và đâu là sự buông thả vô trách nhiệm. Đương nhiên, ranh giới của nó không phải là cái dễ dàng phân định.