Hát Páo dung là lối hát dân ca có từ lâu đời của người Dao. Với mỗi nhóm Dao khác nhau thì lối hát Páo dung cũng có sự khác biệt trong âm hưởng của làn điệu. Dù cho phong cách ứng khẩu tại chỗ có tạo ra vô vàn bài hát khác nhau ở mỗi địa phương, song những bài hát đều có một nội dung thống nhất là đề cao tinh thần lao động sáng tạo, lẽ sống, phép ứng xử, ca ngợi tình yêu đôi lứa. Thông qua hát Páo dung, người Dao gửi gắm tâm tư tình cảm, ước nguyện của mình về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trong kí ức của những lớp người đi trước, mỗi dịp Tết đến xuân về, nam thanh nữ tú người Dao lại rủ nhau đi hát từ bản nọ sang bản kia. Cuộc hát say sưa khiến họ tưởng chừng như quên ngày, quên tháng, nên dẫu có tàn cuộc, chia tay, nhưng dường như những cuộc páo dung vẫn chưa bao giờ kết thúc. Để rồi đến khoảng tháng 8, tháng 9 âm lịch, khi vụ mùa đã xong, trai gái trong bản lại tiếp tục lời hẹn Páo dung ngày nào. Ngay cả những người có gia đình rồi cũng đi “dung” với nhau như để cùng sẻ chia bao nỗi niềm trong cuộc sống.
‘ Ảnh: TH Tuyên Quang
Anh Đặng Văn Tá - Xã Kim Bình - Chiêm Hóa - Tuyên Quang chia sẻ: “Tính chất của kiểu hát này thứ nhất là để vui, thứ hai là để tìm hiểu phong tục tập quán này, ai quen biết là yêu nhau, thích, vừa lòng nhau thì về nhà bảo bố mẹ đi hỏi rồi cưới thôi”.
Nét độc đáo trong hát Páo dung giao duyên là lời ca được ứng khẩu ngay tại chỗ, thể hiện trình độ tư duy, tài năng ứng biến của người hát. Còn trong các nghi lễ, hát Páo dung lại được thể hiện theo từng bài bản sẵn có, chẳng hạn như lễ cấp sắc - một nghi lễ quan trọng trong vòng đời của đàn ông Dao. Trong nghi lễ này, hát Páo dung được kết hợp với múa gọi là “miến dung”. Khi thầy cúng thực hiện cúng Bàn vương, 3 đôi nam nữ được mời đến sẽ lần lượt hát 36 bài có nội dung răn dạy con người với những ước mơ trong lao động sản xuất và lối sống có đạo đức. Người đàn ông trưởng thành là người đàn ông phải trải qua lễ cấp sắc và thấm nhuần những lời khuyên dạy mà người xưa để lại.
Dù hát trong nghi lễ hay hát giao duyên, những điệu Páo dung ngọt ngào vẫn luôn là một phần không thể thiếu đối với người Dao. Bởi câu hát Páo dung tự ngàn đời vẫn luôn là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn của các lớp thế hệ người Dao không chỉ hôm nay mà mãi mãi về sau.