Người giữ hồn đèn lồng ở Hội An

Hoàng Trang -Chủ nhật, ngày 03/04/2011 12:55 GMT+7

Đến di sản Hội An, một trong những ấn tượng khiến du khách không thể nào quên chính là những cây đèn lồng đủ màu sắc thắp sáng phố cổ lúc đêm xuống. Giờ đây, đèn lồng đã trở thành một phần không thể thiếu của Hội An - một sản phẩm văn hoá có khả năng xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới.

Nhưng để vượt qua những giai đoạn khó khăn khi nghề truyền thống có nguy cơ mai một… người Hội An thường nhắc tới phần đóng góp lớn của nghệ nhân Huỳnh Văn Ba, người đã dành hơn nửa cuộc đời để gắn bó và giữ nghề. Ông cũng là người đã có nhiều sáng kiến trong cải tiến mẫu mã kiểu dáng để đèn lồng trở nên hấp dẫn và mới mẻ hơn.

‘ Nghệ nhân Huỳnh Văn Ba chẻ tre để làm lồng đèn

‘ Đèn lồng xuất hiện khắp mọi nơi

Hội An, trong ấn tượng của nhiều du khách, đẹp nhất khi đêm xuống. Bởi lúc ấy, sông Hoài bỗng trở nên rực rỡ, và những con phố nhỏ thì sáng lên với đủ màu sắc của những chiếc đèn lồng. Từ vài năm nay, ở Hội An có hẳn một con phố chuyên bán đèn lồng - đường Nguyễn Hoàng, bên cạnh những quầy lưu niệm nhỏ, nơi loại đèn truyền thống này là món quà tặng không thể thiếu.

‘ Ở nhiều nơi, người dân làm đèn ngay tại nơi bán

‘ Những chiếc đèn lồng đủ màu sắc nhưng không lòe loẹt

Từ những chiếc đèn lồng cố định khung kiểu cổ điển, đèn Hội An ngày nay được các nghệ nhân nghiên cứu và sản xuất ra loại có thể xếp gọn, nhỏ để mang đi xa. Theo lời người dân Hội An, người đầu tiên nghiên cứu ra chiếc đèn lồng cơ động này, cũng là người đã làm sống lại đèn lồng bằng việc phục chế và tạo dáng lại thành chiếc đèn bọc vải ngày nay là nghệ nhân Huỳnh Văn Ba. Năm nay đã 77 tuổi, nghệ nhân làm đèn lồng đầu tiên được Chính phủ Nhật mời sang để giới thiệu về cách làm lồng đèn này vẫn tiếp tục tìm tòi với những ý tưởng mới để tăng hiệu suất sử dụng và độ bền của đèn lồng Hội An.

‘ Hội An đẹp hơn khi lung linh trong ánh đèn đêm

Cơ sở sản xuất đèn lồng của gia đình nghệ nhân Huỳnh Văn Ba là một trong bảy xưởng sản xuất đèn lớn nhất ở Hội An. Không chỉ truyền nghề cho đủ con cháu trong nhà, đã nhiều năm qua, ông còn dạy nghề cho những người khuyết tật, tạo việc làm để họ có thêm thu nhập, cũng như giới thiệu quy trình làm đèn cho những du khách muốn tìm hiểu văn hoá Hội An. Đây cũng là một cách quảng bá văn hoá thông qua sản phẩm thủ công truyền thống rất hiệu quả.

‘ Đủ sắc màu lung linh của đèn

Phố cổ Hội An mỗi tháng lại tắt đèn một lần vào những ngày rằm. Và đó là lúc, để ánh sáng của những ngọn đèn lồng trở nên lung linh hơn bao giờ hết. Sức sống của thứ ánh sáng có thể làm say lòng bất cứ ai đặt chân tới di sản miền Trung ấy, dẫu chỉ một lần, đang được thắp lên từ bàn tay của những nghệ nhân tâm huyết dành trọn cuộc đời mình để gìn giữ nghề truyền thống của quê hương.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước