Nhưng khi tập ăn dặm, bé sẽ có rất nhiều nguy cơ mà các mẹ không thể lường trước hết được. Vì vậy, mẹ cần lưu ý chỉ cho bé tập ăn dặm khi bé đã có biểu hiện thích thú khi nhìn thấy người khác ăn: bé há miệng, chép miệng hoặc chồm tới thức ăn. Đó là lúc bé tròn 6 tháng tuổi. Cha mẹ lưu ý đừng cho bé ăn sớm quá sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bé như: bé dễ bị đầy bụng, khó tiêu, biếng ăn, biếng bú và lâu dài sẽ có nguy cơ bị thiếu hụt dinh dưỡng, dẫn đến bé bị suy dinh dưỡng, chậm lớn…
Có một vài điều mà các mẹ cần chú ý khi cho bé ăn dặm:
1. Khi lần đầu tiên cho bé thử thức ăn mới, chỉ nên cho ăn 1 loại thức ăn mới trong ngày, ăn trong 2 – 3 ngày với lượng ít để theo dõi khả năng dung nạp thức ăn của bé như đỏ da, ói, tiêu chảy, khò khè… Khi chắc là bé dung nạp được với loại thức ăn đó thì chuyển qua tập một loại thức ăn mới khác. Giai đoạn đầu tập ăn không cần phải tuân thủ đúng nguyên tắc 4 nhóm thực phẩm, chỉ cần bé quen với mùi vị mới là được.
Bắt đầu ăn dặm, có thể cho bé ăn bột gạo pha với sữa mẹ hoặc sữa công thức bé đang uống, hoặc chọn loại bột ngọt (bột có vị ngọt như bột gạo sữa, bột trái cây, bột rau cả…) vì có vị gần giống sữa, bé dễ chấp nhận. Sau đó bé quen rồi thì chuyển qua bột mặn (bột thịt, bột cá, tôm, gà…).
2. Bất dung nạp gluten
Bất dung nạp gluten là dấu hiệu hệ tiêu hóa của bé không thể xử lý được gluten có trong lúa mì, lúa mạch đen, yến mạch. Gluten cũng có mặt trong vô số những loại thực phẩm chế biến sẵn. Vì thế, khi giới thiệu cho con một đồ ăn mới, bạn nên cẩn thận xem xét những phản ứng khác lạ của cơ thể bé. Bất dung nạp là khác với dị ứng. Dị ứng liên quan tới một phản ứng miễn dịch tự động với một loại thực phẩm cụ thể, còn bất dung nạp gluten có thể gây bệnh celiac, ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của bé và cần được thảo luận với bác sĩ nhi.
3. Hãy cho bé làm quen dần từ lỏng đến đặc
Do từ lúc sinh đến 6 tháng bé chỉ quen với thức ăn lỏng là sữa nên việc ăn bột là hoàn toàn lạ lẫm với bé. Lúc đầu bé cần pha bột thật lỏng, chỉ đặc hơn sữa 1 chút, rồi khi bé quen thì tăng độ đặc lên dần. Thức ăn giai đoạn đầu tập ăn phải mịn, không lợn cợn, tránh cho bé không bị hóc.
4. Hạn chế muối
Đừng thêm muối vào bột ăn dặm của bé hay bất kỳ món ăn dặm nào bạn làm cho con tại nhà. Nên kiểm tra nồng độ natri trong thực phẩm chế biến như thịt, phômai, cá hun khói... hay những món bạn cho con ăn. Nhiều muối khiến thận của bé không xử lý được, gây mất nước. Nếu bé ăn những món cùng gia đình, nên múc riêng cho bé một phần rồi mới nêm gia vị.
Giai đoạn đầu tập ăn dặm là giai đoạn quan trọng để bé tập ăn bằng muỗng, khác với kiểu bú bình trước kia. Nếu bé chưa quen ăn bằng muỗng, cần phải kiên nhẫn tập, không vì vậy mà cho bột loãng vào bình cho bé nút, vì sẽ khiến bé mất phản xạ nhai nuốt sau này.
5. Đừng ép bé ăn đúng suất
Lúc đầu tập ăn, mẹ nhớ chỉ nên cho bé ăn vài muỗng mỗi bữa thôi, không nên ép ăn nhiều. Mẹ hãy để ý đến thái độ của bé khi được cho ăn mà cân nhắc lượng thức ăn phù hợp cho các bữa tiếp theo.
6.Loại trừ phụ gia và chất bảo quản
Các bé và ngay cả người lớn nên tránh những món nhiều phụ gia và chất bảo quản. Cách tốt nhất là bạn tự chế biến món ăn dặm cho con thay vì mua sẵn. Nếu chọn đồ đóng hộp, nên đọc kỹ nhãn mác để tìm hiểu các thành phần dinh dưỡng có bên trong.
7. Tuyệt đối tránh ép bé ăn, mẹ nhé!
Khi bé chưa sẵn sàng chấp nhận thức ăn mới, mẹ hãy kiên nhẫn tập cho bé. Mẹ đừng đè ép sẽ làm bé sợ đấy. Nếu bé phản ứng mạnh như khóc hoặc ói khi nhìn thấy thức ăn thì mẹ có thể cho bé dừng ăn vài ngày rồi tập lại. Nếu cứ cố ép bé sẽ trở nên quá sợ hãi thức ăn mà bị biếng ăn tâm lý sau này đấy.