Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học thuộc Đại học Y California San Diego, việc thực hiện nhịn ăn gián đoạn (có giới hạn thời gian) có thể giúp giảm nguy cơ bệnh Alzheimer và suy giảm nhận thức.
Nghiên cứu được thực hiện bằng cách điều chỉnh lịch trình ăn của một nhóm chuột, trong đó chúng chỉ được ăn trong khoảng thời gian là 6 tiếng mỗi ngày - điều này tương đương với 14 tiếng nhịn ăn đối với con người.
So với nhóm chuột ăn theo nhu cầu, chuột nhịn ăn cho thấy có sự cải thiện về trí nhớ, ít hiếu động hơn vào buổi tối và ít bị gián đoạn giấc ngủ hơn. Ngoài ra, những con chuột này cũng ít tích tụ protein amyloid trong não - dấu hiệu đặc trưng của bệnh Alzheimer.
Các nhà nghiên cứu cho biết mục tiêu của việc hạn chế ăn uống là khôi phục nhịp sinh học. Điều này có thể giúp chống lại vô số sự gián đoạn mà các bệnh nhân Alzheimer phải đối mặt khi đi ngủ và thường nhầm lẫn liên quan đến lịch trình.
Cùng với nghiên cứu mới, các nhà khoa học hy vọng có thể thử nghiệm trên người. Tác giả của nghiên cứu khẳng định tiềm năng của nghiên cứu là vô cùng lớn và khả thi.
"Nghiên cứu này có thể có tầm quan trọng đặc biệt đối với người cao tuổi bởi vì việc ăn uống giới hạn thời gian không đòi hỏi hạn chế lượng calo hoặc thay đổi chế độ ăn uống. Dù vậy, chúng có thể mang lại lợi ích quan trọng từ việc điều hoà trao đổi chất và giấc ngủ đến khả năng cải thiện nhận thức", tác giả nghiên cứu nhận định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!