Tác dụng tẩy trắng răng để làm đẹp được phát hiện rất tình cờ. Trước đây, các nha sĩ cố gắng điều trị bệnh nướu cho bệnh nhân bằng nước súc miệng có chứa hi-đrô pe-rô-xít (hydrogen peroxide) hay còn gọi là ô-xi già và họ nhận thấy sau một thời gian dùng nước súc miệng này, răng bệnh nhân trở nên trắng hơn.
Ngày nay, nhiều nha sĩ và các hãng kinh doanh mĩ phẩm khuyên mọi người làm trắng răng, thậm chí thuốc làm trắng răng cũng có thể được bày bán ở các cửa hàng đồ gia dụng. Vậy cách làm trắng nào là hiệu quả nhất và an toàn nhất?
Hoạt chất tẩy trắng được sử dụng thế nào?
Làm trắng răng hay còn gọi là tẩy trắng răng chủ yếu là nhờ trong công thức của hầu hết các thuốc tẩy có chứa hi-đrô pe-rô-xít hoặc những chất mà khi tiếp xúc với nước hoặc không khí sẽ giải phóng ra hi-đrô pe-rô-xít.
Hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược về tẩy trắng răng. Nhiều nước có qui định khác nhau về hàm lượng hi-đrô pe-rô-xít cho phép đưa vào các thuốc tẩy này. Ví dụ ở Úc, chỉ có nha sĩ mới được cung cấp các sản phẩm có hàm lượng hi-đrô pe-rô-xít trên 6%; nhưng ở New Zealand, người không phải là nha sĩ cũng có thể cung cấp sản phẩm làm trắng răng có hàm lượng hi-đrô pe-rô-xít lên đến 12%; còn ở Anh không ai ngoài nha sĩ được kê đơn thuốc có hàm lượng chất này cao hơn 0,1%.
Mặc dù ở New Zealand, người ta có thể dùng thuốc tẩy trắng răng có hàm lượng hoạt chất cao như vậy, nhưng chưa có bằng chứng nào là những thuốc này làm hại sức khỏe cộng đồng.
Nha sĩ ở Australia có thể kê thuốc chứa đến 35% hi-đrô pe-rô-xít. Với hàm lượng cao như vậy, hoạt chất này có khả năng tác động mạnh và sâu vào cấu trúc men răng, còn các mức độ hàm lượng thấp hơn chỉ tác động lên bề mặt lớp men răng.
Ngoài các thuốc tẩy chứa trực tiếp hydrogen peroxide, một số ít các loại thuốc còn lại có chứa carbamide peroxide hoặc sodium perborate. Hai chất này khi gặp yếu tố tác động, đều sinh ra hydrogen peroxide.
Có gì khác biệt khi tẩy trắng răng ở phòng khám của nha sĩ, ở thẩm mĩ viện và tự bạn làm ở nhà?
Ngày nay, việc thực hiện tẩy răng ở đâu không còn gây quá nhiều khác biệt. Nhiều nha sĩ kê đơn cho người sử dụng mua thuốc về nhà tự làm. Dù làm ở đâu, răng cũng được tẩy nhờ cùng một hoạt chất như đã nêu trên. Tuy nhiên, những nơi làm trắng răng tại chỗ thường dùng thuốc có hàm lượng hoạt chất cao hơn, nhất là khi làm tại phòng khám của nha sĩ.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu tại phòng thí nghiệm thì tẩy trắng răng tại chỗ ở phòng khám của nha sĩ sẽ giúp bảo toàn độ chắc khỏe của men răng, giúp cho men răng có khả năng chống lại sự ăn mòn của a-xít tốt hơn là tự làm tại nhà.
Lời khuyên của các nhà nghiên cứu là nếu bạn tự tẩy răng ở nhà thì cũng nên theo hướng dẫn của nha sĩ. Việc tự mua sản phẩm tẩy trắng và không có sự giám sát của nha sĩ có thể dẫn đến hỏng men răng và thậm chí là hỏng răng.
Vì sao lại như vậy? Sự khác biệt là do các nha sĩ sẽ làm khuôn răng cho bạn và dùng khuôn đó để làm khay tẩy, việc này đảm bảo cho thuốc chỉ tiếp xúc vào răng chứ không vào nướu của bạn. Điều quan trọng khi tẩy răng là kiểm soát cho hoạt chất hi-đrô pe-rô-xít chỉ tiếp xúc với răng, nếu để dính vào nướu trong một thời gian dài sẽ gây bỏng.
Nếu nhận được lời tư vấn sử dụng thuốc tẩy răng “không có pe-rô-xít” thì bạn nên tìm hiểu kĩ thuốc đó chứa gì khác, bởi vì các sản phẩm này có thể không trực tiếp chứa pe-rô-xít nhưng khi được kích hoạt thì cũng sinh ra pe-rô-xít. Còn những sản phẩm thực sự không hề chứa hoặc sinh ra pe-rô-xít thì gần như không có hiệu quả làm trắng răng.
Nếu bạn đã tự tẩy trắng răng thì men răng của bạn rất dễ bị hỏng khi bạn dùng kem đánh răng có hạt. Càng tự tẩy nhiều lần, men răng của bạn càng yếu đi nhanh chóng. Răng sau khi tẩy chỉ giữ được tình trạng trắng khoảng 6 – 12 tháng tùy thuộc chế độ ăn và vệ sinh răng của bạn.
Ngoài thuốc tẩy chuyên dụng, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm được vô số các hướng dẫn tẩy răng bằng nguyên liệu tự nhiên, ví dụ như chà răng bằng vỏ chuối, cau khô, đánh răng với hỗn hợp nước chanh tươi trộn bột soda, v.v.. Tuy nhiên các cách này dường như không có hiệu quả, thậm chí do chứa nhiều a-xít, đường và cách dùng là phải chà mạnh nên có thể làm hỏng hoặc làm yếu răng nếu bạn áp dụng nhiều.
Thời gian gần đây, thuốc đánh răng có chứa than hoạt tính trở nên phổ biến với quảng cáo là giữ cho hơi thở thơm tho và làm trắng răng. Tuy nhiên, một đánh giá mới đây của Hiệp hội Nha khoa Mĩ cho rằng không có đủ bằng chứng để công nhận những tác dụng quảng cáo đó.
Trước khi tẩy trắng răng, bạn nên cân nhắc
Trước khi định áp dụng bất kì biện pháp tẩy trắng răng nào, bạn nên kiểm tra sức khỏe răng miệng của mình. Bất kì thuốc tẩy trắng răng nào cũng làm tăng mức độ nhạy cảm của răng. Nếu không có gì bất thường, thì tình trạng đó chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, kiểm tra kĩ để đảm bảo tình trạng sức khỏe răng miệng sẽ giúp bạn tránh được nhiều rủi ro.
Một bất lợi mà tất cả các cách tẩy trắng răng đều không tránh được là việc phục hồi răng, ví dụ như nếu bạn đã phải trám/ hàn răng, làm chụp răng thì những vật liệu này sẽ không đổi màu cùng với răng thật của bạn, vì chất tẩy chỉ có tác dụng đối với răng tự nhiên mà thôi. Điều này có thể gây ra tình trạng răng không đồng màu.
Và điều cuối cùng bạn nên cân nhắc là tự làm hay đến phòng khám. Sử dụng dịch vụ tẩy trắng răng ở phòng khám của nha sĩ nhìn chung là tốn kém hơn, nhưng đồng nghĩa với an toàn hơn. Nha sĩ có thể sử dụng thuốc có mức độ tẩy mạnh, nhẹ cho phù hợp vì họ hiểu rõ các loại thuốc và tình trạng răng của bạn và biết cách xử trí hiệu quả khi có vấn đề gì xảy ra.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!