Dù đã cấm túi nilon nhưng điều quan trọng hơn mà giới chức Kenya sẽ cần giải quyết là tìm ra giải pháp nhằm loại bỏ dần thói quen sử dụng loại vật dụng đã quá quen thuộc này. Đó là lý do mà ngay tại nước này, nhiều doanh nhân nhạy bén đã tìm ra những cơ hội mới từ việc thay thế túi nilon.
Ông Francis là chủ một xưởng sản xuất túi gần Thủ đô Nairobi. Điểm đặc biệt của xưởng sản xuất này chỉ sử dụng nguyên liệu là giấy tái chế thay vì nilon. Việc kinh doanh đang khá thuận lợi khi ông đã có hơn 50 đối tác thường xuyên đặt hàng và bán mỗi chiếc túi với giá 0,4 EUR. Hiện ông đang có thêm nhiều tham vọng mới muốn sản xuất một loại túi rẻ hơn nữa để thay thế hoàn toàn túi nilon, đáp ứng nhu cầu của những người đi chợ hay mua sắm bình thường.
Trong khi đó, bà Lorna Rutto, một cựu nhân viên ngân hàng, lại đang theo đuổi việc kinh doanh chính từ việc tái chế túi nilon. Công ty của bà chuyên sản xuất các loại cọc chất dẻo làm từ túi nilon phế liệu.
Nhờ hoạt động của công ty này, mỗi tháng đã có hơn 50 tấn nilon được chuyển thành những chiếc cọc dùng cho vật liệu xây dựng.
Những cách làm độc đáo trên đã giúp đem lại một hiệu quả kinh tế đáng kể trong khi vẫn giải quyết được bài toán túi nilon với môi trường sinh thái.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!