Dù ít nhưng "còn báo thì còn người bán"
Ông Minh trầm ngâm nhắc về thời "hoàng kim" của báo giấy
Giữa cái thời tiết nắng như đổ lửa của ngày hè, dừng chân tại sạp báo chưa đầy một mét vuông trên đoạn đường Lý Chính Thắng, quận 3, TP Hồ Chí Minh, ông Minh - chủ tiệm, bùi ngùi chia sẻ về "thời hoàng kim": "Thật nhớ cái hồi trước trên đoạn đường Lý Chính Thắng này, phải có hơn mười sạp báo liên tiếp nhau nhưng giờ chỉ còn mình vợ chồng tôi bán. Hồi đó vui lắm, mới sáng ra người dân lại mua tấp nập để đọc tin nóng hổi. Có ly cà phê, ngồi góc vỉa hè, tay cầm tờ báo là hình ảnh không bao giờ phai. Có hôm mới lấy báo về được một tiếng đã bán hết sạch. Giờ ít khách nhưng cứ bán vậy thôi chứ biết sao được. Báo giấy vẫn còn sản xuất thì tôi vẫn còn bán".
Ông Hùng tranh thủ bữa cơm trưa trong cảnh ế khách.
Ở một góc khác trên đường Nguyễn Đình Chiểu, cũng thuộc quận 3, TP Hồ Chí Minh, chịu chung tình trạng đìu hiu, vắng khách, sạp báo của ông Hùng, 51 tuổi, mở trước cổng trường Đại học Kinh tế... Chủ sạp báo tay vừa bưng bát cơm vừa nói: "Bán báo ế lắm! Thỉnh thoảng có người kêu tôi kiếm nghề khác làm, tôi chỉ biết cười mà đáp tôi muốn biết tin thời sự sớm nhất nên vẫn trụ bám với nghề chứ không nỡ bỏ được. Ở đây cứ cuối tuần có những người bạn già đến đọc báo tám chuyện cho vui."
"Giữ lửa" giữa dòng chảy thời gian
Dạo qua sạp báo tuổi đời gần 30 năm của bà Ngà đầu con hẻm nhỏ phường Đa Kao, Quận 1, TP Hồ Chí Minh, nhìn bàn tay khéo léo, nụ cười hiền hậu khi khách ghé mua, không ai nghĩ bà đã ngoài 70 tuổi với sự lạc quan tặng thêm báo cho khách để lấy vui làm lời. Đầy đủ, phong phú trên sạp với các loại từ báo giấy, tạp chí, các ấn phẩm, truyện tranh,… Nhưng mỗi ngày, bà chỉ bán trung bình được 30 tờ, chủ yếu là những tờ báo "hồn cốt" của TP Hồ Chí Minh.
Sạp báo của bà Ngà với nhiều ấn phẩm đặc sắc nhưng cũng "chịu chung số phận" trong thời đại báo giấy đã bị soán ngôi.
Khách đến mua hầu hết là khách quen. Hiện nay, bà bán báo giấy như cố gắng duy trì thói quen đọc báo của mọi người, đặc biệt là người cao tuổi - những người không biết hoặc không thấy thích hợp với việc chuyển đổi sang những hình thức tiếp nhận thông tin báo chí khác.
Tương tự, chị Sa đã thức giấc từ rất sớm, 4h sáng mỗi ngày đi lấy báo về sạp để bán. Chiếc sạp nhỏ của chị được dựng dưới gốc cây ven đường giữa dòng xe cộ qua lại tấp nập. Chị bán tới 18h tối mới về dù với lượng khách hẩm hiu. Các loại báo, tạp chí trên quầy thông tin của chị đều được bọc nilon để tránh sự thay đổi của thời tiết. Bởi không có mái che hay dù để che chắn, mưa đến sợ phải ôm báo chạy mưa. Chị cho biết: "Nhiều người mua báo về để gói đồ chứ ít đọc lắm. Ngày xưa, báo giấy giá giao động 1.500 đến 2.000 đồng một tờ, còn tạp chí khoảng 3.000 đồng. Còn giờ giá thành đã cao hơn một tờ giá 6.000 đồng. Nhưng không có lợi nhuận, tiền lời chỉ khoảng 500 đồng một tờ."
Những tờ báo được "phòng thủ" bởi vải bạt trong mùa mưa ở TP Hồ Chí Minh
Thu nhập dù có ít ỏi nhưng quan trọng đây là nghề chị yêu thích. Đồng thời, chị đã kết hợp bán nước giải khát chung với sạp báo để tăng thu nhập, trang trải cho cuộc sống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!