Cô voi Bắc On đang ở trong chế độ chăm sóc đặc biệt. Hàng tuần, Bắc On được các bác sĩ lấy mẫu máu để xác định chu kỳ rụng trứng. Công việc này được thực hiện liên tục mỗi tuần cho đến khi voi mang thai, sinh sản.
Ông Cao Đăng Quân - Bác sĩ thú y, Trung tâm Bảo tồn voi, Cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng - cho biết: "Chúng tôi phải tiến hành lấy mẫu, phân tích nồng độ progesterone trong máu để xác định chu kì rụng trứng, ghép đôi cho voi đực voi cái giao phối".
Trước đây, chủ voi cũng từng tìm cách ghép đôi voi. Nhưng nỗ lực này không có kết quả vì việc tìm voi đực phù hợp để ghép không dễ dàng. Voi là loài động vật chung thủy, không phải voi đực phù hợp, voi cái sẽ từ chối. Hoặc sự từ chối có thể đến từ chủ voi đực.
Dù mong manh nhưng những nỗ lực duy trì giống nòi đàn voi nhà Đắk Lắk chưa bao giờ dừng lại.
Ông Y Mứ Bkrong - chủ voi, Buôn Liêng 1, xã Đắk Liêng, huyện Lắk, Đắk Lắk - cho biết thêm: "Tìm voi đực rất khó. Voi đực lúc giao phối khi thấy người thường rất hung dữ, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng của người dân. Chính vì vậy, nhiều người dân đã phải nhờ chính quyền nhà nước hỗ trợ".
Năm 2016, dự án khuyến khích voi nhà sinh sản được tỉnh Đắk Lắk triển khai. Kết quả là đã có 3 voi cái mang thai, sau gần 30 năm không có voi cái nào sinh sản tại Đăk Lak.
Ông Y Lak Uông - chủ voi Bắc On, xã Yang Tao, huyện Lắk, Đắk Lắk - kể lại: "Con voi đẻ 1 ngày 1 đêm, dưới sự hỗ trợ của bác sỹ. Khi đẻ ra, voi con vẫn còn ấm nhưng mà nó tắt thở rồi".
Ông Y Mứ Bkrong nói: "Nó lấy vòi thăm dò con voi con. Đập 2 -3 lần không thấy gì là nó la hét, khóc 1 tháng ấy, ra nước mắt như con người".
Ông Phạm Văn Thịnh - bác sĩ thú y, Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia Foundation) - cho biết: "Tất cả các voi mẹ ở Đắk Lắk đều đã lớn tuổi mà lại chưa sinh lần nào. Những con trẻ nhất khi sinh cũng vào khoảng 40 tuổi".
Ông Y Lắk chôn cất voi con theo nghi lễ truyền thống trong khu mộ của gia đình, để linh hồn voi con được mẹ và chị ông che chở.
Không chỉ gắn bó như một thành viên của gia đình, voi còn là một biểu tượng văn hóa của Tây Nguyên. Biểu tượng này đang đứng trước nguy cơ bị mất đi, khi toàn tỉnh Đắk Lắk hiện chỉ còn 5 cá thể voi nhà còn khả năng sinh sản, voi cái trẻ nhất cũng đã 37 tuổi.
Ông Ryan Hockley - chuyên gia Phúc lợi động vật, Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia Foundation) - cho rằng: "Ngay cả khi ghép đôi 2 cá thể voi trong hôm nay, thì đến 40 tuổi, thậm chí ngoài 40 tuổi voi cái mới sinh. Vấn đề là sự thiếu hụt voi cái trong độ tuổi sinh sản. Tôi nghĩ khả năng voi nhà Đắk Lắk có thể sinh sản thành công là rất mong manh".
3 voi cái đã từng sinh nở nay tiếp tục ghép đôi là những cơ hội cuối cùng để nhân giống voi nhà Đắk Lắk. Khả năng thành công đang dần hẹp lại, khi các cá thể voi nhà ngày một già đi. Dù mong manh, cơ hội ấy vẫn được duy trì, bằng sự nỗ lực của các bên và cả niềm hi vọng vào những điều diệu kì của tự nhiên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!