Nữ phóng viên trẻ lần đầu ra Trường Sa

Giang Châu-Thứ sáu, ngày 21/06/2024 11:09 GMT+7

VTV.vn - Nghề báo đã cho các phóng viên, biên tập viên chúng tôi đến những nơi thật xa và chứng kiến những điều thiêng liêng của Tổ quốc.

Mỗi mùa hè tháng 6, các phóng viên, biên tập viên vui chúng tôi lại bồi hồi, phấn khởi chào đón ngày hội của những người làm báo: 21/6 – Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Lạch cạch viết bài, thi thoảng tôi ngó lên nhìn ngắm khung ảnh ở Trường Sa có dòng chữ "Đoàn công tác số 14 kính tặng" được đặt ngay ngắn ở giữa bàn làm việc. Đây là món quà mà tôi nhận được trong chuyến đi Trường Sa dịp 30/4 vừa qua và đạt giải Nhất trong Cuộc thi sáng tác văn học – nghệ thuật về Trường Sa thân yêu, do Quân chủng Hải quân tổ chức cho các thành viên trong đoàn.

Nữ phóng viên trẻ lần đầu ra Trường Sa - Ảnh 1.

Góc giường nhỏ trên tàu với những món quà kỉ niệm ở Trường Sa.

Có lẽ, chuyến đi Trường Sa ở tuổi 27 là dấu ấn đáng nhớ trong chặng đường 6 năm làm báo của tôi. Trên con tàu KN 491, tôi là nữ đại biểu trẻ nhất trong đoàn, và may mắn được chung hành trình với những anh chị nhà báo dày dặn tuổi nghề, các đại biểu đều là lãnh đạo, quản lý ở các đơn vị lớn trong Bộ Y tế, Hiệp hội doanh nghiệp và Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN.

Trước chuyến đi, nhiều người đã "cảnh báo" tôi về nỗi sợ say sóng, dặn dò mang kem chống nắng và kem dưỡng ẩm bởi cái nắng gắt trên đại dương. Mỗi chị em phụ nữ cũng chuẩn bị thêm áo phông và áo dài cờ đỏ sao vàng để ghi lại những bức ảnh mang hồn Tổ quốc. Cùng với đó là 8 bộ đầu thu K+ mà Quỹ Tấm lòng Việt của Đài truyền hình Việt Nam chúng tôi gửi tặng các chiến sĩ ở 7 đảo và 1 nhà giàn. Một tuần thời tiết đẹp, sóng yên, biển lặng đã dìu trôi con tàu của Đoàn công tác số 14 đến được trọn vẹn 8 điểm theo kế hoạch: đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, An Bang, Cô Lin, Đá Đông B, Đá Tây A, Trường Sa và nhà giàn DK 1/20 (Ba Kè).

Nữ phóng viên trẻ lần đầu ra Trường Sa - Ảnh 2.

Các phóng viên VTV cùng đoàn Bộ Y tế.

Biển, đảo của Việt Nam thực sự rất đẹp. Ở khoảng cách cách đất liền khoảng 250 hải lý, chúng tôi thấy những rạn san hô và đàn cá bơi dưới làn nước trong vắt. Đảo An Bang còn ấn tượng hơn cả với một bãi cát trắng mịn mang vẻ đẹp tựa thiên đường. Dù khí hậu khắc nghiệt và thổ nhưỡng cằn cỗi, nhưng các chiến sĩ và người dân trên đảo vẫn nỗ lực xanh hóa Trường Sa bằng việc trồng nhiều cây và hoa. Đặc trưng nhất là cây bàng vuông, phong ba, bão táp, phi lao và cây tra. Vào đảo Đá Tây A, tôi mượn xe đạp của các chiến sĩ để khám phá. Tôi thong dong ngắm nhìn một xã hội thu nhỏ trên hòn đảo bé xinh và ghé vào nhà chị Nguyễn Thị Mỹ Hà bởi bị thu hút từ sân nhà đầy hoa của chị. Chị bảo, mới đầu lên đây cũng bỡ ngỡ, thấy trồng trọt khó khăn, nhưng các chiến sĩ đã giúp đỡ gia đình chị rất nhiều, như cho đất và bày cách trồng rau. Chị trồng nhiều hoa vì thích có cây cho tươi mát. Chị rất hãnh diện khi ra đây cũng như một người con, người lính giữ đảo.

Nữ phóng viên trẻ lần đầu ra Trường Sa - Ảnh 3.

Vẻ đẹp trên đảo An Bang.

Những người lính ngày đêm canh gác bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc có làn da sạm đi dưới cái nắng khắc nghiệt. Vẻ mặt nghiêm nghị và cứng rắn khi làm việc của họ bỗng mềm mại hơn khi thấy có đoàn khách tới thăm. Mỗi năm, chỉ có tháng 4 và tháng 5 là thời điểm các đoàn công tác đưa đại biểu ra thăm quân và dân trên đảo vì thời tiết ổn định, nên đây có lẽ là một trong những dịp vui nhất trong năm của các đồng chí. Và niềm xúc động còn trào dâng hơn khi Đoàn Nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình mang lời ca, tiếng hát "kéo" các chiến sĩ xích lại gần nhau hơn. Chúng tôi nắm tay nhau, hát các ca khúc như "Nối vòng tay lớn", "Bay qua biển Đông", "Khúc quân ca Trường Sa",…Thậm chí, những người lính còn tự tin thể hiện điệu nhảy như đã tập luyện từ lâu chỉ chờ dịp có khách. Trong vòng tròn yêu thương không còn khoảng cách, một số chiến sĩ đã rơi nước mắt, và các nghệ sĩ cũng ướt mi khi bịn rịn chia tay những người lính đảo. Thương lắm những chàng trai đang tuổi đôi mươi phải đi làm nhiệm vụ ở nơi đầu sóng ngọn gió, không internet, có người phải xa người yêu, không những thú vui như các bạn bè ở đất liền. Thế nhưng cũng tự hào lắm, vì họ đã có một khoảng thời gian thanh xuân ý nghĩa, góp sức để làm nên "Đất Nước muôn đời", như lời thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết:

"Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước

Khi hai đứa cầm tay

Đất Nước trong chúng mình hài hoà nồng thắm

Khi chúng ta cầm tay mọi người

Đất nước vẹn tròn, to lớn

Mai này con ta lớn lên

Con sẽ mang đất nước đi xa

Đến những tháng ngày mơ mộng

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó san sẻ

Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời..."

Nữ phóng viên trẻ lần đầu ra Trường Sa - Ảnh 4.

Chụp ảnh kỉ niệm cùng các chiến sĩ.

Nữ phóng viên trẻ lần đầu ra Trường Sa - Ảnh 5.

Một người anh đồng nghiệp ở VTV4 của tôi từng đi Trường Sa và bảo "Trên tàu em sẽ gặp những người có khi chỉ gặp một lần trong đời nên hãy giao lưu với mọi người thật nhiều." Chắc hẳn cùng chung suy nghĩ rằng, phải rất hữu duyên thì gần 300 người xa lạ mới gặp nhau trên cùng một hành trình đặc biệt ra Trường Sa, nên chúng tôi đều dành thời gian để ăn uống, trò chuyện và chia sẻ công việc với nhau. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức trên khu vực "sân bay" của tàu – một mặt phẳng rất rộng mà tôi thường ngồi để ngắm được hoàng hôn rực rỡ nhất. Ở mỗi góc trên tàu, các nhóm nhỏ tụ tập lại, cùng đánh đàn guitar, cùng nghêu ngao hát các bài hát về tình yêu, về đất nước. Còn trong phòng số 325 của 16 chị em gồm phóng viên, nhiếp ảnh, ca sĩ, diễn viên múa chúng tôi cũng thường xuyên tràn ngập tiếng cười mỗi khi tụ tập ăn hoa quả và tán gẫu.

Nữ phóng viên trẻ lần đầu ra Trường Sa - Ảnh 6.

Phòng 325 tập hát cùng các vị khách đến từ phòng khác.

Nữ phóng viên trẻ lần đầu ra Trường Sa - Ảnh 7.

Trải nghiệm làm bản tin phát thanh buổi tối cùng các anh chị đồng nghiệp cũng khiến tôi học hỏi thêm nhiều kỹ năng.

Nữ phóng viên trẻ lần đầu ra Trường Sa - Ảnh 8.

Tổ bếp tất bật nấu những món ăn ngon.

Nữ phóng viên trẻ lần đầu ra Trường Sa - Ảnh 9.

Bốn nữ phóng viên ở các cơ quan báo chí khác nhau rửa bát cùng tổ phục vụ.

Mỗi người trong đoàn đều mang những câu chuyện riêng, và khoảng thời gian một tuần đi Trường Sa đã khiến chúng tôi được cởi mở giãi bày, chia sẻ với nhau những điều vừa lạ lẫm vừa thân thuộc. Đi để thấy dáng hình quê hương, đất nước. Đi để thấy mình cần sống tốt hơn để xứng đáng với những gì đang được nhận. Trân trọng Nghề Báo đã cho chúng tôi những kỉ niệm tuyệt vời này.

Nữ phóng viên trẻ lần đầu ra Trường Sa - Ảnh 10.
Nữ phóng viên trẻ lần đầu ra Trường Sa - Ảnh 11.

Các tác phẩm về Trường Sa của Hội Nhiếp ảnh TP. Hồ Chí Minh đang được trưng bày tại đường sách Nguyễn Văn Bình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước