Ảnh minh họa: Getty Images.
Thời gian vừa qua, cả hai vợ chồng chị Lê Thanh Phượng (Long Biên, Hà Nội) đều làm việc online tại nhà. Hai con gái học mầm non cũng nghỉ học từ Tết theo quy định phòng chống dịch COVID-19. Trước đây, cả nhà thường chỉ quây quần buổi tối sau giờ tan học, tan làm nhưng bây giờ, bốn thành viên hàng ngày nhìn thấy nhau 24/24h. Bên cạnh nhiều việc tận hưởng khoảng thời gian thú vị mà trước đây vì bận rộn cả nhà không có được, nhiều vấn đề cũng bắt đầu nảy sinh. Trong đó, điều khiến chị Phượng khó chịu nhất là sự ảnh hưởng từ khói thuốc của chồng chị tới vợ con.
Trước đây, buổi tối, anh có thể xuống khu vực vắng và thoáng ở sân chung cư để châm điếu thuốc nhưng từ khi có dịch, điều đó không thể thực hiện. Chồng chị Phượng chỉ có thể ra ban công để hút thuốc. Điều đáng nói, ban công cạnh phòng khách của nhà chị vừa là nơi hóng gió nhưng cũng vừa là nơi phơi quần áo. Mỗi ngày vài lần ra đó hút thuốc, chồng chị Phương đã khiến khói thuốc ám đầy quần áo của cả nhà phơi ở ban công. Đó là chưa kể nó có thể phát tán và bám trên nhiều vật dụng khác trong căn hộ chung cư vốn không được rộng rãi như rèm cửa, thảm, sofa nỉ…
Được biết dư lượng khói thuốc lá bám trên những đồ xung quanh được gọi là third-hand smoke (THS - tạm dịch: khói lần 3). Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng dư lượng khói ấy hoàn toàn có thể tiếp tục gây hại đến sức khỏe con người. Kể cả khi khói thuốc đã tan, lượng hóa chất còn tồn đọng sẽ tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại, nhất là khi chúng được tích tụ ngày qua ngày. Chúng hoàn toàn có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của trẻ, khiến trẻ dễ mắc nhiều bệnh nguy hiểm.
Các đồ vật bị ám khói thuốc có thể khiến các triệu chứng ở trẻ em bị nhiễm trùng tai mãn tính, nhiễm trùng đường hô hấp mãn tính trở nên trầm trọng hơn. Nếu quần áo, tóc của trẻ mắc hen suyễn bị ám mùi khói thuốc lá thì trẻ sẽ dễ bị lên cơn hen suyễn hơn.
Bên cạnh đó, thông thường mọi người thấy khói thuốc được nhả ra, bay vào không khí, rồi tan biến mất, nên nhiều người bỏ qua, không để tâm. Tuy nhiên theo các nhà khoa học, người xung quanh (như trường hợp gia đình chị Phượng là vợ và con) có thể hấp thụ chất độc từ khói thuốc thông qua da và trẻ em là người dễ bị tổn thương nhất.
Nỗi khổ của chị Phượng và các con chỉ có thể được giải quyết bằng một cách hiệu quả và triệt để nhất, đó là chồng chị phải từ bỏ thuốc lá, vì bản thân mình và vì sức khỏe vợ con mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!