Ngoài phở Nam Định thì phở Hà Nội cũng vừa được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Mặc dù nhiều địa phương trong cả nước có món phở, nhưng phở gắn bó lâu đời với cuộc sống người dân Hà Nội, trở thành thức quà phổ biến. Chính nhu cầu thưởng thức thường xuyên món phở của người dân Hà Nội đã tác động đến kỹ thuật nấu nướng của các chủ quán phở, khiến phở Hà Nội ngày càng ngon hơn.
Nhiều sử liệu ghi chép lại món "phở" tại Hà Nội được ra đời vào đầu thế kỉ XX. Từ năm 1907 đến 1910, phở vốn là một loại quà rong, được gánh đi rong và rao bán khắp phố phường Hà Nội.
Về nguồn gốc ra đời của món "Phở" đến nay còn nhiều quan điểm điểm khác nhau. Thực tế, quá trình hình thành món phở là sự sáng tạo của cộng đồng gắn với bối cảnh xã hội, lịch sử, văn hóa đầu thế kỷ XX tại Hà Nội.
Tính đến năm 2023, Hà Nội có gần 700 cửa hàng phở, tập trung chủ yếu trên địa bàn các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Long Biên.
Những thương hiệu phở gia truyền (có hơn 2 đời làm phở) thường chỉ chuyên bán phở bò hoặc phở gà tập trung chủ yếu trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng.
Không chỉ được thực khách trong nước yêu mến mà các chuyên trang ẩm thực nổi tiếng nước ngoài cũng nhiều lần tôn vinh món phở Việt Nam. Trang TasteAtlas năm 2022 nhận định phở là món ăn quốc dân, thể hiện phong cách sống của người Việt. Phở hấp dẫn vì vừa cầu kỳ trong công thức nấu nhưng vẫn đem lại cảm giác đơn giản, tao nhã.
Trang CNN bình chọn “Phở Việt Nam nằm trong danh sách 30 món ăn ngon nhất toàn cầu” vào năm 2018; trang Business Insider cũng từng đưa ra danh sách “40 món ăn ngon của thế giới mà chúng ta nên ăn thử một lần trong đời” trong đó có phở…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!