Kơ nia là loại cây mang đặc trưng của vùng núi rừng Tây Nguyên, tuy nhiên tại thôn Hòa Mỹ, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn của tỉnh Bình Định lại có khu rừng kơ nia hơn trăm năm tuổi. Người dân chăm sóc, bảo vệ và xem khu rừng này là "báu vật" của làng.
Những tán lá xanh um, tỏa bóng mát rượi, che chở cho cả một vùng đất rộng lớn. Thân cây Kơ nia to lớn, vững chãi, với đường kính có thể lên đến vài mét. Trong hiểu biết của nhiều người, cây Kơ nia là loài cây đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên và được mệnh danh là cây "cô đơn" khi chúng thường mọc riêng lẻ. Tuy nhiên ở thôn Hòa Mỹ thì cây Kơ nia lại mọc thành rừng với hơn 30 cây có tuối đời hơn trăm năm.
Rừng cây Kơ nia trăm năm tuổi tại thôn Hòa Mỹ, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định
Từ ngày xưa, người dân thôn Hòa Mỹ đã xem rừng Kơ nia là khu rừng cấm, dân làng và người lạ đều không được xâm hại. Và cho đến tận bây giờ người dân thôn Hòa Mỹ vẫn giữ quy luật bất thành văn là không được chặt phá cây. Ai vi phạm sẽ bị phê bình, kiểm điểm và nêu tên trong các họp thôn. Người lớn truyền lại cho lớp trẻ, phải giữ gìn cây kơ nia như một báu vật của làng.
Rừng cây Kơ nia không chỉ có giá trị về mặt sinh thái, mà còn mang ý nghĩa văn hóa, tâm linh sâu sắc đối với người dân địa phương. Chính quyền địa phương cũng đã có nhiều biện pháp để khuyến khích người dân bảo tồn, phát triển rừng Kơ nia, nhằm gìn giữ báu vật thiên nhiên quý giá này cho các thế hệ mai sau.
Kơ nia là tên địa phương của loài thực vật có tên khoa học là Irvingia malayana thuộc chi Irvingia, nguồn gốc ở châu Phi và Đông Nam Á. Ở châu Á, kơnia có ở Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia.
Tại Việt Nam, Kơ nia tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Tây Nguyên. Cây có sức sống dẻo dai nhờ thân to thẳng, rễ cọc ăn sâu, vững chãi lại chịu hạn tốt. Loài cây này mang ý nghĩa tâm linh với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!