Tục truyền, vào đại lễ năm Nhâm Tý, trong lúc dân làng đang tế lễ, bỗng nhiên có đôi chim Phượng hoàng bay đến đậu ngay trên nóc đình làng và cất lên tiếng hót. Năm đó, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân khang vật thịnh, lòng dân phấn chấn. Để tưởng nhớ hình ảnh đôi chim Phượng và vị thần Hoàng làng, hàng năm làng mở hội tế lễ, tổ chức vui chơi mỗi năm 2 lần gọi là Xuân - Thu nhị kỳ.
Mỗi kỳ có tới 3 ngày vào tháng 3 và tháng 8 tổ chức lễ rước bằng kiệu song loan, kéo đôi ngựa hồng, ngựa bạch đến chùa, từ chùa lên đình có đội nhạc trống bản, thanh la, nạo bạt, mõ tre, sáo nhị và có đội thanh niên mặc áo giáp đỏ vác tán lọng, đồ tế lễ, dàn nhạc bát âm... và đặc biệt náo động, vui nhộn với các trò diễn dân gian như múa chim phượng.
Phải chăng vì thế mà dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử múa sanh ngô vẫn sống và trường tồn bất tận. Và những người con đất Hồng Nhuệ vẫn nồng nàn, gắn bó, gìn giữ và lưu truyền loại hình âm nhạc tế lễ dân gian đặc sắc này qua thời gian.