Hào hứng thảo luận, liên tục khảo sát thực tế và thực hành ngay trên đồng ruộng, lớp học về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) khá phù hợp với tâm lý tiếp nhận kiến thức mới của những người nông dân.
Ghi nhận tại buổi học IPM tại thôn Tiền Lệ, Tiền Yên, Hoài Đức, Hà Nội, bà con đo diện tích luống, đo cây, đếm lá, đếm sâu, tập điều tra sinh thái đồng ruộng để xác định độ sinh trưởng, mật độ sâu bệnh, xem lúc nào thì phun thuốc, bón phân, loại gì, liều lượng ra sao. Nhờ vậy, họ sẽ không phun bón tùy tiện như trước kia.
Tính đến nay, sau 6 lớp học trong 2 năm qua, 180 học viên đã góp phần cho đất, cho không khí vùng rau này không bị ô nhiễm. Nhờ vậy, cóc, cào cào, kiến ba khoang đã xuất hiện trở lại, giúp diệt sâu bọ.
Nửa buổi học, cả lớp tổng hợp và phân tích các số liệu đo đếm được trên đồng lúc trước khá bài bản. Các nông dân thông thái hơn khi tập thói quen ghi chép, đánh giá, diễn đạt các kiến thức kỹ thuật vốn khó hiểu.
Các học viên là những lao động chính trong nhà. Đi học về, họ còn truyền đạt những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, cách canh tác an toàn cho gia đình, hàng xóm. Mục đích là để cả làng cùng khỏe, cùng vui khi biết cách giảm hẳn độc hại qua dùng thuốc bảo vệ thực vật an toàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!