Đây đồng thời là những điểm du lịch thu hút người dân trên thế giới tìm đến để học hỏi kinh nghiệm sống thọ, sống khỏe, sống tích cực, đầy năng lượng trong quá trình lão hóa.
Nhà báo William J Kole dành nhiều thời gian nghiên cứu về người cao tuổi và là tác giả cuốn sách mang tên The Big 100: The New World of Super-Aging đề cập đến “kỷ nguyên siêu lão hóa” của loài người hay còn gọi là “cuộc cách mạng trường thọ”. Điều này đang là thực tế không thể thay đổi khi tuổi thọ con người ngày một cao hơn. Dự kiến đến năm 2025 sẽ có tới 3,7 triệu người đạt tới độ tuổi bách niên. Khi đó, việc chạm đến tuổi thọ 3 con số sẽ không còn là những trường hợp cá biệt.
Cụ bà Kane Tanaka được Kỷ lục Guinness ghi nhận là người cao tuổi nhất thế giới, cụ qua đời năm 119 tuổi (Ảnh: Newscom/Alamy)
Câu hỏi đang nhận được nhiều sự quan tâm không kém gì việc làm thế nào để sống lâu, đó là làm thế nào để trường thọ một cách mạnh khỏe và có ý nghĩa. Để được thực sự tận hưởng niềm vui, hạnh phúc từ cuộc sống dài lâu hơn mức bình thường.
Dù vẫn còn những ý kiến trái chiều về việc xếp 5 vùng đất vào nhóm Blue Zones, thậm chí có những đánh giá cho rằng, tuổi thọ, cuộc sống người dân nơi đây không quá lý tưởng, không phải thuộc top đầu như mọi người vẫn nghĩ. Cũng có thể đây đơn giản là một cách tiếp thị khéo léo để quảng bá địa phương. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về cuộc sống, cách sống của người dân vùng Blue Zones, dễ dàng nhận thấy những thói quen sinh hoạt, ăn uống lành mạnh giữa môi trường trong lành, gần gũi với thiên nhiên, cùng với việc luôn suy nghĩ tích cực, yêu vận động, yêu lao động… Đây là những đặc điểm chung mang đến đời sống dài lâu và chất lượng cho người dân bản xứ.
Theo nhà báo Dan Buettner - một người đã đóng góp và đề xuất giới thiệu các vùng đất thuộc Blue Zones - có rất nhiều điều đáng để học hỏi từ cách sống của những người trường thọ. Mỗi nơi lại có những câu chuyện riêng rất thú vị để mỗi người tìm hiểu và có cách áp dụng riêng cho mình. Thông qua cuộc trò chuyện, phỏng vấn với 263 người tuổi bách niên, Dan Buettner đã có những đúc rút ngắn gọn, cơ bản về các quy tắc sống thọ và chia sẻ trên trang CNBC. Đó là:
Luôn duy trì vận động tự nhiên: Những người sống thọ nhất không phải là người dành thời gian tập luyện điên cuồng trong các phòng gym, sân tập hay cần tới những máy móc, công cụ hỗ trợ mà họ luôn tranh thủ vận động ngay từ trong nhà thông qua làm việc nhà, làm vườn, trồng rau, chăn thả gia súc gia cầm, đi bộ thường xuyên…
Hoạt động chăn nuôi gia súc ở Sardinia (ảnh NatGeo)
Sống có mục đích: Người dân ở Okinawa, Nhật Bản gọi đó là cách tìm ra “ikigai” - lẽ sống của cuộc đời - với nhiều chỉ dẫn đáng chú ý như luôn sống năng động, giữ sự bận rộn, đừng để cho tuổi tác biến mình trở nên chậm chạp, vô giá trị nhưng không có nghĩa là cứ đẩy bản thân vào guồng quay không ngừng nghỉ, bận đến mức kiệt sức. Thay vào đó, cần xác định những gì mang đến ý nghĩa thực sự cho cuộc sống… Người Nhật nói chung, không chỉ riêng ở Okinawa, là những người sống thọ nhất thế giới và học theo cách sống của người dân ở quốc gia này trong cách ăn uống, đối xử với thiên nhiên, chăm sóc sức khỏe tinh thần… được xem là những gợi ý rất phù hợp và có tính khả thi cao.
Người cao tuổi ở Okinawa (Ảnh: NatGeo)
Chung nhận định với Dan Buettner, nhà báo William J Kole trong bài viết trên tờ Guardian cũng cho rằng, sống có mục đích là một trong những tiêu chí hàng đầu: “Nếu muốn sống đến 100 tuổi, chúng ta nên có điều gì đó để sống”. Dẫn chứng được William J Kole kể tới là vị thẩm phán 104 tuổi mang tên Wesley Brown của nước Mỹ - người vẫn duy trì làm việc đến tận những năm tháng cuối đời, khi hơn 100 tuổi vẫn yêu thích đi cầu thang bộ tới phòng làm việc. Wesley Brown cho rằng chính công việc đã khiến ông duy trì sức mạnh về thể chất và sự minh mẫn.
Tình yêu có sức mạnh diệu kỳ: Với những người trường thọ, tình yêu càng có nhiều ý nghĩa hơn và trở thành một trong những lý do để sống lâu, sống khỏe. Khá dễ để nhận thấy rằng, những người được bao bọc trong tình yêu thương của gia đình, bạn bè, của cộng đồng xung quanh sẽ có tuổi thọ tốt hơn những người đơn độc. Nhưng đó không phải là mối quan hệ một chiều mà còn là kết quả của sự cho đi, biết trân trọng, yêu thương, chăm sóc người khác, đền đáp cho cộng đồng và sống có đức tin vào những gì lớn lao, mạnh mẽ. Nhà báo William J Kole cũng cho rằng, tình yêu còn có thể hiểu rộng ra ở sự kết nối, gắn bó, đồng cảm về mặt tinh thần, sở thích. Điều này càng có ý nghĩa hơn với người cao tuổi, cần khuyến khích họ tham gia các câu lạc bộ, các hội nhóm để cùng chia sẻ buồn vui, lan tỏa tinh thần sống tích cực, lành mạnh.
Chế độ ăn uống lành mạnh: Các quốc gia thuộc Blue Zones nằm ở vùng Nam Âu ăn theo chế độ Địa Trung Hải coi trọng việc tận hưởng niềm vui với các món ăn, không kiêng khem quá ngặt nghèo nhưng giữ sự cân bằng hoàn hảo giữa các thành phần, yêu thích việc nhâm nhi rượu vang.
Đậu hũ là món ăn yêu thích của người cao tuổi ở Okinawa (Ảnh: NatGeo)
Ở Okinawa lại giữ nguyên tắc chỉ ăn no tới 80% để không tạo gánh nặng cho dạ dày. Ở Loma Linda, bang California, nơi duy nhất của nước Mỹ có tên trong Blue Zones, người dân cũng theo đuổi cách ăn uống coi trọng các thành phần thực vật, việc ăn chay trở nên phổ biến. Tuy nhiên, dù chế độ ăn Địa Trung Hải đang chứng minh được rất nhiều lợi ích cho cơ thể, có tác dụng kéo dài tuổi thọ thì việc áp dụng cho mỗi người cũng nên có sự điều chỉnh linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế về nguyên liệu, chi phí và mỗi người cần biết lắng nghe cơ thể của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!