Việc ngủ ít hơn 7 giờ mỗi đêm có thể gây ra ảnh hưởng tới cơ thể bạn (Ảnh minh họa)
Nghiên cứu cho thấy có khoảng 1/3 những người trưởng thành tại Mỹ không ngủ đủ giấc. Trong khi đó, thiếu ngủ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với não bộ và cơ thể.
Rất nhiều người cho rằng họ có thể chỉ ngủ ít hơn 7 đến 9 tiếng mỗi đêm và biện hộ rằng họ ngủ ít để hoàn thành công việc và việc nhà.
Giám đốc điều hành Tesla và SpaceX - Elon Musk gần đây đã thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times rằng làm việc liên tục nhiều giờ ảnh hưởng đến sức khoẻ của ông.
Arianna Huffington, đồng sáng lập và cũng là Tổng biên tập của The Huffington Post, một người bạn của Musk, đã đăng trên Twitter một bức thư ngỏ về lịch trình ngủ của Musk, nói rằng ông đang "chứng minh một cách cực kỳ lỗi thời, phản khoa học và tồi tệ về cách làm việc không hiệu quả".
Musk, sau đó đã phản hồi trên tài khoản của mình vào lúc 2h30 sáng với dòng tweet: "Tôi vừa trở về nhà từ nhà máy. Bạn nghĩ tôi có thể lựa chọn? Không phải vậy". Musk rõ ràng hoàn toàn nhận thức được làm việc liên tục 120 giờ mỗi tuần rất có hại.
Matthew Walker, nhà thần kinh học, chuyên gia về giấc ngủ, đã chia sẻ trên tờ Business Inside trước đó: "Bạn ngủ càng ít, cuộc sống của bạn càng ngắn".
Hầu hết người trưởng thành cần từ 7 đến 9 giờ cho giấc ngủ, trong khi trẻ em cần nhiều hơn mặc dù nhu cầu này thay đổi đối với từng cá nhân. Một số người thực sự có thể ngủ vài giờ mỗi đêm, trong khi số khác là những người được gọi là "người ngủ lâu" vì họ cần tới 11 giờ mỗi đêm để ngủ.
Tuy vậy, bất kể đồng hồ sinh học của bạn hoạt động ra sao, việc thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng tới cả sức khoẻ thể chất và tinh thần của bạn.
Dưới đây là những hậu quả của việc thiếu ngủ:
1. Tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư
Thiếu ngủ và gián đoạn lịch trình giấc ngủ có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư đại tràng và ung thư vú.
2. Làm chậm quá trình hồi phục của da sau chấn thương, dẫn đến lão hoá da
Theo nghiên cứu của Đại học Wisconsin, chất lượng giấc ngủ liên quan chặt chẽ với các vấn đề về da. Các nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng khi da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời hoặc các yếu tố khác, với những người thiếu ngủ, rất khó để da có thể phục hồi. Vì vậy, những người thiếu ngủ sẽ có dấu hiệu lão hóa da sớm hơn.
3. Gây cảm giác thèm ăn
Những người không ngủ đủ giấc thường thấy thèm ăn, đặc biệt là các loại thực phẩm chứa hàm lượng calo cao. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc mất cân bằng nội tiết tố do thiếu ngủ một phần là tác nhân gây ra bệnh béo phì.
4. Tạo cảm giác cô đơn
Các nhà nghiên cứu nhận định rằng thiếu ngủ thường xảy ra ở những người trẻ tuổi ít giao tiếp xã hội. Một số báo cáo cho thấy giấc ngủ không ngon đi cùng với xu hướng cô đơn. Tồi tệ hơn, những người cảm thấy cô đơn cũng có xu hướng ngủ ít hơn. Điều này dẫn đến một vòng lặp luẩn quẩn.
5. Khó khăn cho việc học và rối loạn trí nhớ ngắn hạn
Buồn ngủ từ lâu đã là một vấn đề đối với học sinh. Thử nghiệm lùi giờ vào học 1 tiếng cho học sinh trung học đã cho thấy sự cải thiện điểm số của các bài kiểm tra và có thể tạo ra những thay đổi lớn hơn đối với thanh thiếu niên, những người thường có xu hướng "cú đêm".
Không chỉ trẻ em, trí nhớ ngắn hạn của người lớn cũng bị ảnh hưởng bởi việc thiếu ngủ. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những người trưởng thành khi bị thiếu ngủ sẽ khó ghi nhớ những từ đã học trước đó cũng như gặp nhiều khó khăn trong việc cải thiện các kỹ năng mới học.
6. Thiếu ngủ thời gian dài cũng có thể làm giảm trí nhớ dài hạn
Gián đoạn giấc ngủ ở người cao tuổi có thể dẫn đến những thay đổi cấu trúc não liên quan đến việc suy giảm trí nhớ dài hạn. Chứng đãng trí liên quan đến giấc ngủ cũng đã được quan sát thấy ở người lớn nói chung, những người ngủ nhiều hơn thường ít quên hơn.
7. Bệnh béo phì
Một số nghiên cứu chứng minh trong quá trình ngủ, các chất protein beta-amyloid tích tụ trong não khi chúng ta thức sẽ được dọn sạch. Loại protein này có quan hệ chặt chẽ với bệnh Alzheimer. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc thiếu ngủ có thể dẫn đến một vòng lặp bởi protein beta-amyloid tích tụ nhiều hơn trong não ngăn cản mọi người đạt được trạng thái ngủ sâu. Ngược lại, những người có lịch trình ngủ bị gián đoạn thường xuyên hơn sẽ có xu hướng có nhiều protein beta-amyloid hơn.
8. Tăng nguy cơ mắc bệnh tim
Có rất nhiều bằng chứng cho thấy thiếu ngủ có tác động tiêu cực đến hoạt động của tim. Trong thử nghiệm, các nhà nghiên cứu giữ cho những người tham gia tỉnh táo suốt 88 giờ và ghi nhận chỉ số huyết áp tăng. Ngay cả những người được ngủ 4 tiếng một đêm cũng cho thấy nhịp tim đập nhanh hơn những người ngủ đủ 8 tiếng. Nồng độ của Protein phản ứng C, một dấu hiệu của bệnh tim, cũng tăng cao ở cả những người bị thiếu ngủ một phần hoặc hoàn toàn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!