Ảnh minh họa. Ảnh: Dân trí.
Cả ba thế hệ trong gia đình anh Phan Văn Châu ở tổ 3, thôn Đa Quý, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt cùng đồng hành, gắn bó với cây hoa minh chứng cho sức sống bền bỉ của loại cây trồng chủ lực trên vùng đất vẫn được mọi người ưu ái với cái tên gọi "thành phố hoa". Hoa và địa danh Đà Lạt vốn tồn tại trong tiềm thức của tất cả mọi người dù có trải qua bao năm tháng. Với người nông dân nơi đây cũng vậy, cây hoa mang lại giá trị tinh thần và cả lợi nhuận kinh tế.
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, hội nhập kinh tế quốc tế, nghề trồng hoa, kinh doanh hoa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có nền tảng vững chắc, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng và từng bước khẳng định thương hiệu "hoa Đà Lạt". Hiện diện tích trồng hoa ở Đà Lạt đã lên đến gần 9.000 ha. Và việc đưa vào sử dụng nhãn hiệu hoa Đà Lạt đã góp phần nâng cao giá trị của hoa Đà Lạt ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Đà Lạt được xem là địa phương sản xuất hoa lớn nhất cả nước với sản lượng khoảng 3 tỷ cành hoa các loại hàng năm. Hoa Đà Lạt mỗi năm xuất khẩu được khoảng 310 triệu cành chiếm 12% tổng sản lượng hoa của Đà Lạt. Không chỉ người nông dân Đà Lạt sống và gắn bó với nghề trồng hoa, nhiều cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhận thấy được tiềm năng và cơ hội phát triển của hoa Đà Lạt cũng đã mạnh dạn tham gia vào chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm hoa để tìm hướng bứt phá.
Để hoa Đà Lạt cất cánh, không chỉ cần sự nỗ lực từ phía người nông dân mà cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, cơ chế chính sách và các doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng tạo nên mối liên kết bền chặt. Có như vậy, nhãn hiệu hoa Đà Lạt kết tinh kì từ đất lành mới thật sự phát huy được giá trị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!