Rau ngổ có tác dụng gì?
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS Đỗ Tất Lợi, nhân dân ta thường hái lá non rau ngổ ăn sống làm gia vị.
Làm thuốc, người ta dùng rau ngổ chữa những trường hợp ăn uống không tiêu, đầy tức bụng, thổ huyết, băng huyết. Dùng ngoài giã nát đắp lên những nơi viêm tấy. Ngày dùng từ 12 đến 20g dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài không kể liều lượng.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây rau ngổ:
Trị sỏi thận: Rau ngổ có tác dụng lợi tiểu, giảm co thắt cơ trơn, giãn mạch máu, tăng lọc ở cầu thận. Từ đó làm tăng lượng nước tiểu, tạo điều kiện cho sỏi thận bị tống ra ngoài.
Cách dùng: Lấy rau ngổ 50g, để tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước, pha thêm ít muối, uống làm một lần, ngày hai lần. Dùng 5 - 7 ngày. Dùng riêng hoặc phối hợp với râu ngô, mã đề, cối xay. Kiên trì thực hiện bài thuốc này có kết quả khá tốt.
Dùng rau ngổ giã nhỏ, lấy nước pha ít hạt muối, uống ngày 2 lần vào sáng và chiều (uống liền trong 7 ngày).
Dùng 50 - 100g rau ngổ tươi xay làm sinh tố uống mỗi ngày (uống trong 15 - 30 ngày) hoặc nấu với 2 chén nước, sôi 20 phút để uống.
Trị sỏi mật, sỏi thận (sỏi bùn, đá): 100g rau ngổ tươi giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt, thêm 1 muỗng canh mật ong uống vào buổi sáng lúc đói, liên tục 10 - 15 ngày.
Trị đái dầm: Rau ngổ 20g, mùi tàu 20g, cỏ mần trầu 20g, cỏ sữa lá nhỏ 10g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống sau bữa ăn chiều. Dùng 3 - 4 lần.
Trị đái ra máu: Rau ngổ 10g, cỏ tháp bút 10g, rễ cỏ tranh 10g, thái nhỏ, phơi khô, tẩm rượu, sao vàng rồi sắc uống làm hai lần trong ngày.
Trị ban đỏ: Rau ngổ 20g, dây vác tía 20g, măng sậy 10g, đọt tre mỡ 10g, rửa sạch, thái nhỏ, sắc uống trong ngày.
Trị cảm ho: Dùng khoảng 20g cây tươi, sắc uống.
Trị ho, sổ mũi: 15 - 30g rau ngổ tươi, rửa sạch, sắc kỹ lấy nước uống hàng ngày.
Trị đầy hơi, tức bụng, ăn không tiêu: Lấy rau ngổ tươi rửa sạch, mộc hương nam (mua ở các hiệu thuốc nam). Sắc 2 thứ trên với 1.000ml nước còn 250ml thì chia làm 2 lần, uống hết trong ngày.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng rau ngổ
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, khi dùng rau ngổ bạn cần lưu ý những điều sau:
- Do rau ngổ có thể làm giãn cơ ngũ tạng nên phụ nữ mang thai không nên ăn nhiều loại rau này để tránh sảy thai.
- Rau ngổ tươi thường được trồng ở đầm lầy, nơi ẩm ướt nên dễ nhiễm khuẩn. Vì thế, trước khi dùng cần rửa thật sạch để tránh bị ngộ độc.
- Nếu dùng rau ngổ hỗ trợ điều trị ung thư cần phải kiêng quýt, cam, bưởi, hồng chín, lựu, hải sản.
- Khi dùng rau ngổ để điều trị ho, sổ mũi, cảm, sốt… cho trẻ nhỏ nên tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi thực hiện.
- Trong quá trình sử dụng rau ngổ cần quan sát các dấu hiệu của cơ thể, nếu phát hiện có hiện tượng khó chịu hay bất thường cần đến khám bác sĩ ngay để có hướng xử trí an toàn.
Mặc dù đến nay chưa có nghiên cứu nào về tác dụng phụ và cũng chưa có ghi nhận về vấn đề này, nhưng điều đó không có nghĩa là được lạm dụng rau ngổ. Để tránh nguy cơ bất thường nào đó cho sức khỏe, tốt nhất không nên dùng quá nhiều rau ngổ mỗi ngày và trong một thời gian dài.
Ngoài vai trò như một loại gia vị thân thuộc trong bữa ăn hàng ngày của người Việt, rau ngổ còn được xem là thảo dược tự nhiên rất quý. Vì thế, như bao loại thảo dược khác, trước khi dùng để điều trị bất cứ bệnh lý nào cũng cần tham khảo ý kiến chuyên gia để biết được thời gian và liều lượng sử dụng phù hợp, có như vậy mới đạt được những lợi ích cho cơ thể.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!