Dược sĩ Tào Duy Cần vốn là một trong 3 người đầu tiên xây dựng và công tác ở Vụ Dược chính trị Bộ Y tế (1954) tại An toàn khu (ATK) và bộ môn bào chế trường Đại học Y Dược Hà Nội… Mấy chục năm làm việc trong ngành dược đã đem đến cho ông một sự say mê đặc biệt với việc nghiên cứu các loại thuốc. Tính đến nay ông đã cho ra đời tới 17 đầu sách, phần lớn đều là những công trình khá lớn, có cuốn sách dày hơn 2000 nghìn trang về các loại thuốc biệt dược.
Dược sĩ Tào Duy Cần kể, từ năm 1982 ông đã bắt đầu tập hợp về các loại thuốc biệt dược thành những cuốn sách nhỏ. Lúc ấy Việt Nam bắt đầu nhập thuốc trên thế giới, hướng dẫn sử dụng toàn tiếng nước ngoài, không có hướng dẫn sử dụng tiếng Việt, rất khó khăn cho người sử dụng.
Ông bắt đầu tập hợp và dịch về các loại thuốc. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, thời gian rất nhiều, nhưng ông vẫn dành phần nhiều thời gian của mình để thực hiện. Lý do rất giản dị là ông làm cho gia đình mình. Trong nhà, ông là dược sĩ duy nhất nên ai cần hỏi về thuốc gì cũng đều tìm đến ông, ông đúng là cuốn từ điển sống về thuốc cho gia đình, bè bạn, họ hàng. Từ đây ông mới nghĩ đến chuyện sưu tầm, viết lại những tên thuốc, cụ thể về hoạt chất chất, cách sử dụng… thành những cuốn sách nhỏ.
Bất ngờ là những cuốn sách gia đình ấy lại được nhiều cán bộ y tế quan tâm và khuyên ông nên xuất bản thành sách, rất hữu ích cho xã hội. Cuốn sách đầu tiên ra đời đã được đông đảo người làm y tế ủng hộ và sách bán rất chạy. Dược sĩ Tào Duy Cần cũng mê mẩn công việc này từ lúc nào không hay.
Cứ mỗi tháng, mỗi quý, ở Bộ Y tế lại có hàng chồng tài liệu về việc cấp phép các loại thuốc, ông đến xin lại những tài liệu ấy đem về dịch cẩn thận. Năm này qua tháng khác, sự tỉ mỉ, cần cù của ông đã thành những cuốn sách hàng ngàn trang với hàng vạn thứ thuốc có mặt trên thị trường.
Để hoàn thành một cuốn sách như “Thuốc biệt dược và bệnh” vừa ra mắt ông mất tới hai năm làm việc quên cả ngủ. “Cứ có thời gian là tôi làm việc, chỉ khi nào mệt lắm tôi mới ra ngoài đi chơi”- dược sĩ Tào Văn Cần tâm sự. Cuốn sách của ông không chỉ dành cho người chuyên ngành mà còn cho các gia đình để tra cứu về những loại thuốc chữa bệnh mà mình cần dùng.
Nhiều người bạn của ông “khuyên” ông làm sách này làm gì, mấy năm trời mới làm xong một quyển, nhuận bút thì được chục triệu đồng là cùng, trong khi nếu đi làm giàu, mở tiệm bán thuốc chẳng hạn thì hàng năm tính tiền trăm triệu. Nhưng, ông Cần không nghĩ đến điều đó, điều ông mong muốn làm nhất là được cống hiến chút gì đó bằng sự say mê và kinh nghiệm mấy chục năm làm nghề, sưu tập và tích lũy của ông.
Nhiều người băn khoăn, rằng bây giờ, có thuốc thì cứ tra cứu trên “ông google” là xong, rất nhanh là đằng khác thì sách của ông ra đời liệu có quá… lạc hậu so với mạng Internet? Dược sĩ Tào Duy Cần nói rằng ông biết tốc độ mạng, việc tra cứu mạng cũng là một tiện nghi của thời đại này, nhưng chắc chắn những công trình như của ông sẽ không thể thiếu được trong đời sống bởi có rất nhiều loại thuốc có trên thị trường nhưng không hề có tiếng Việt hướng dẫn.
Thuốc bây giờ có nhiều tên thương mại khác nhau, nếu biết hoạt chất chính sẽ biết là thuốc đó chữa trị bệnh gì, nếu tra trên google điều đó không dễ dàng, nhưng “soi” vào sách của ông thì vấn đề lại đơn giản hơn nhiều. “Ông từ điển thuốc biệt dược” tự tin rằng ông vẫn cạnh tranh được với ông google.
83 tuổi, cái tuổi cần nghỉ ngơi nhưng dược sĩ Tào Duy Cần không lúc nào nghỉ, ông vẫn muốn tiếp tục công việc của mình. Cuốn sách “Thuốc biệt dược và bệnh” bao gồm 30 đề mục lớn về thuốc biệt dược chữa bệnh như: Thuốc chống viêm - Chống dị ứng - Da liễu - Dinh dưỡng chuyển hóa - Tâm thần - Thần kinh - Tiết niệu - Tiêu hóa… thực sự là công trình nghiên cứu hết sức công phu, nghiêm túc và khoa học của ông. “Thuốc biệt dược và bệnh” có thể xem là cẩm nang tra cứu tiện lợi về các loại thuốc được cấp phép và có mặt trên thị trường 2 năm trở lại đây.