Liên minh châu Âu đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ tái chế một nửa lượng rác thải từ các hộ gia đình. Để đáp ứng đòi hỏi của Liên minh châu Âu về tỷ lệ rác tái chế, Pháp buộc phải ưu đãi cho các doanh nghiệp xử lý rác và do vậy, tái chế rác thải là lĩnh vực đầu tư đang phát triển nhanh tại nước này.
Malaquin là một nhà máy xử lý rác sinh hoạt cho một địa bàn có 2 triệu dân. Malaquin chỉ phân loại rác khô, rác vô cơ, giấy, vỏ đồ hộp, vỏ chai và biến đồ bỏ đi trong thùng rác thành sản phẩm có giá trị.
‘ Ảnh minh họa
Ông Patrick Delaunay - Giám đốc Malaquin cho biết: “Rác đã được phân loại sơ từ nguồn. Mỗi nhà đều phải có 2 thùng rác, một để chứa rác hữu cơ và một để chứa rác vô cơ. Công ty vệ sinh gom rác 2 lần riêng biệt, rác hữu cơ đem đi nơi khác, còn rác vô cơ thì đem tới đây”.
Nguyên liệu đầu vào do các xe rác mang tới được đưa qua một dây chuyền tự động. Ban đầu là sắt thép được nhặt ra nhờ các nam châm lắp bên trên dây chuyền, tiếp đó là hệ thống quạt gió thổi bay túi nylon vào các ô chứa. Cuối cùng còn lại giấy, vỏ đồ hộp và chai nhựa nhưng tới công đoạn này thì phải dùng tới nhân công.
Ông Dimitry Corchand - Đốc công của Malaquin chia sẻ: “Cũng có khi còn sót lại các loại rác khá nguy hiểm như kim tiêm… Do vậy, chúng tôi luôn phải để ý khi phân loại thủ công”.
Nhà máy Malaquin với 30 nhân công và dây chuyền tự động, mỗi giờ có thể phân loại được 15 tấn rác vô cơ. Mỗi năm 100.000 tấn đồ bỏ đi chạy qua các băng chuyền tại đó. Rác bỏ đi biến thành hàng bán được. Vỏ chai nhựa có giá trị nhất, hơn cả nhôm và kim loại, nhưng giấy cũng là nguồn thu quan trọng của nhà máy. Năm ngoái, lợi nhuận ròng của nhà máy lên tới hơn 1 triệu Euro.
Theo ông Patrick Delaunay, một nửa nguồn thu của nhà máy từ trợ cấp môi trường của Liên minh châu Âu, của Chính phủ Pháp và từ thuế rác do người dân đóng góp; nửa còn lại là từ tiền bán sản phẩm.
Trung bình, mỗi ngày mỗi người dân Pháp thải ra 1 kg rác sinh hoạt. Với một địa bàn có 2 triệu dân đã thành 2.000 tấn rác phải xử lý mỗi ngày. Đa số vẫn được xử lý bằng cách chôn hoặc tưới dầu đốt. Chỉ có 14% lượng rác được tái chế thành phân bón; khoảng 20% được phân loại trong nhà máy Malaquin.
Sản phẩm của nhà máy này là các khối kim loại, giấy hoặc chai nhựa đã được ép theo kích thước quy chuẩn. Và các khối rác này sẽ được đưa tới các nhà máy tái chế, trở thành nguyên liệu bột nhôm, bột giấy hay bột nhựa.