Tâm lý người dân trong và sau dịch COVID-19: Tự thay đổi để thích ứng với "khởi đầu mới"

Minh Đức-Thứ ba, ngày 28/04/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Theo chuyên gia tâm lý, dù là tâm lý hay thói quen chi tiêu, mỗi người đều sẽ tự điều chỉnh để cân bằng và thích nghi với những khó khăn mà đại dịch COVID-19 gây ra.

Tâm lý bị ảnh hưởng bởi những bất ổn kinh tế do dịch

Thời gian qua, dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, nhiều người mất việc, bị giảm lương và phải thực hiện giãn cách xã hội tại nhà. Với hình hình kiểm soát dịch của Chính phủ như hiện nay, Việt Nam có thể sẽ sớm kết thúc dịch hoặc ít nhất là thời gian giãn cách xã hội hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của mỗi người dân. Sau thời gian giãn cách xã hội, nhiều thứ sẽ dần trở lại như vốn có, những sẽ cần đến thời gian để người dân ổn định lại mọi mặt trong cuộc sống, trong đó có tâm lý.

Theo khảo sát của VTV News với khoảng 1.600 người tham gia, có đến 76% người dân lựa chọn trở lại công việc hoặc tìm việc làm mới ngay; 26% còn lại lựa chọn sẽ vui chơi, giải trí và mua sắm sau khi thời gian giãn cách xã hội kết thúc. Tuy nhiên, cũng có đến hàng trăm người dân chia sẻ rằng sẽ tiếp tục hạn chế ra đường, học online, làm việc tại nhà cho đến khi dịch bệnh hoàn toàn kết thúc. Tài khoản facebook Thanh Hằng chia sẻ: "Mình vẫn sẽ ở nhà, hạn chế ra đường cho đến khi Nhà nước có thông báo đi làm trở lại". Hoặc như tài khoản facebook Lê Lan cho hay: "Mong công việc trở lại bình thường vì còn phải lo nhiều thứ lắm".

Trước những chia sẻ trên, TS Lê Phương Hoa – Chuyên gia tâm lý (ĐH Sư phạm Thái Nguyên) nhận định, sức ép về kinh tế khiến nhiều người nóng lòng trở lại công việc. Tuy nhiên, tâm lý về sự bất an trong mỗi người dân chắc chắn chưa hết trong ngày một ngày hai bởi dịch COVID-19 thực sự tạo nên ở mỗi người sự ám ảnh không nhỏ. Tất cả mọi người sẽ cần thời gian để thích nghi với những biến đổi do dịch, kể cả khi lựa chọn tiếp tục ở nhà hay đi làm".

Tâm lý người dân trong và sau dịch COVID-19: Tự thay đổi để thích ứng với khởi đầu mới - Ảnh 1.

Do dịch bệnh nên nhiều cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp phải đóng cửa, khiến phần lớn người lao động buộc phải giảm giờ làm, bị giảm lương hay thôi việc

Chuyên gia cũng chỉ rõ, thời gian qua nhiều doanh nghiệp tư nhân bắt buộc tạm ngủ đông đẩy nhiều lao động vào tình trạng thất nghiệp. Thời gian nghỉ kéo dài, một số lao động không đủ kiên trì để chờ đợi quay trở lại công ty bởi họ cần có thu nhập để sống. Vì thế, khi hoạt động kinh tế vận hành trở lại, doanh nghiệp có thể phải tuyển người lao động mới và bản thân người lao động tìm công việc mới bắt đầu xốc lại mọi điều kiện từ đầu.

Những khía cạnh khác như văn hóa, giáo dục cũng không ngoại lệ. Học sinh nghỉ học quá dài, mặc dù đã thay bằng hình thức trực tuyến song nhìn thẳng vào thực tế có thể thấy việc học online còn tồn tại nhiều vấn đề cả về chất lượng đến cách thức tổ chức lớp… Khi giãn cách xã hội kết thúc, các nhà trường, phụ huynh, học sinh đều cần phải sắp xếp lại mọi thứ để có thể tiếp tục hoàn thiện chương trình theo đúng kế hoạch.

"Sau thời gian dãn cách xã hội, việc mà tất cả doanh nghiệp, cơ quan, gia đình và bản thân mỗi người dân đều cần một thời gian để thích nghi xốc lại tinh thần, sắp xếp lại kế hoạch, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sẵn sàng nhập cuộc, thích nghi với sự trở lại của nhịp sống cũ. Sự nhanh chậm tùy thuộc vào sự chuẩn bị các điều kiện, tâm thế sẵn sàng của mỗi cơ quan, doanh nghiệp và mỗi người dân" – TS Lê Phương Hoa chia sẻ.

Cũng trong thời điểm này, chuyên gia tâm lý dự đoán sẽ có nhiều thay đổi trong thị trường tìm kiếm việc làm do dư chấn của dịch bệnh.

"Sau dịch, tìm kiếm công việc mới là điều mà đa số người lao động chắc chắn sẽ phải làm. Nếu may mắn, họ có thể tìm được công việc phù hợp với kinh nghiệm và chuyên môn của bản thân hoặc như công việc trước đó họ đã làm. Nhưng cũng có thể họ phải tìm kiếm những công việc hoàn toàn mới và mọi thứ phải bắt đầu lại. Nhưng nhìn chung, sau khi trải qua dịch, người lao động sẽ có xu hướng tìm kiếm công việc mang tính ổn định, an toàn hơn. Tuy nhiên, càng nhiều người tìm việc thì cơ hội lựa chọn công việc phù hợp sẽ càng hẹp, rất dễ tạo nên những bế tắc và khủng hoảng tâm lý" – TS Lê Phương Hoa đưa ra lời khuyên, để mọi thứ nhanh cân bằng, tốt nhất trong thời gian này tất cả mọi người phải nhìn thẳng vào thực tế và chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho những thay đổi với bối cảnh mới.

Ngoài ra, đại dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến nhận thức của mỗi người cũng như cách nhìn nhận về cuộc sống. Khi đối diện với biến cố, người ta thường ngộ ra nhiều điều. Sự nguy hiểm của dịch COVID-19 đã từng khiến người dân hoang mang và theo bản năng tự vệ, họ tìm mọi cách có thể để an toàn giữa dịch, từ việc tích trữ lương thực, hạn chế tụ tập ăn uống…

Nhận xét về tâm lý tiết kiệm, tự cân bằng kinh tế gia đình của người dân, TS Lê Phương Hoa cho hay, thời gian vừa qua, việc chi tiêu của người dân đã và đang được chính bản thân người dân điều chỉnh. Thu nhập ảnh hưởng, lẽ tất yếu chi tiêu cũng ảnh hưởng theo. Theo logict huận thì người dân sẽ để tâm đến kế hoạch chi tiêu hơn, tiết kiệm hơn, cố gắng tìm kiếm công việc ổn định để đề phòng có biến cố lần thứ hai… Đó là những phản ứng hết sức thuận logic về tâm lý con người.

Sự hỗ trợ cần thiết từ Chính phủ sẽ giảm nhẹ gánh nặng tâm lý cho người dân

Nhiều người lo ngại những thay đổi về kinh tế cũng như việc giãn cách xã hội sẽ gây nên những bất ổn cho tâm lý của người dân, thậm chí làm trầm cảm. Tuy nhiên, TS Lê Phương Hoa cho rằng, việc tâm lý bị ảnh hưởng đến mức tạo nên bệnh lý sẽ khó xảy ra tại Việt Nam bởi Chính phủ đang hết sức cố gắng trong việc chống dịch cũng như đảm bảo quyền lợi cho người lao động bị ảnh hưởng.

Tâm lý người dân trong và sau dịch COVID-19: Tự thay đổi để thích ứng với khởi đầu mới - Ảnh 2.

Người dân khó khăn sẽ nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ Chính phủ hay xã hội, đơn giản như việc nhận gạo tại các cây gạo ATM cũng giúp người nghèo vượt qua giai đoạn này

Cũng theo chuyên gia, thời gian giãn cách xã hội là khoảng thời gian để mỗi người được sống chậm lại. Họ có thời gian để làm những công việc mà lúc bình thường họ không có điều kiện để làm. Ví dụ như bố mẹ có thời gian chơi cùng con hơn, dạy con học nhiều hơn; nhiều phụ nữ có thời gian để vào bếp bày biện, chế biến các món ăn cho gia đình, những bữa ăn cũng vì thế mà ấm cúng hơn, sum vầy hơn; đơn giản như nhà cửa chắc chắn được dọn dẹp sạch sẽ vì phần để chống dịch, phần cũng có thời gian để các thành viên trong gia đình làm việc đó…

"Áp lực mất việc, giảm lương, tự cách ly trong nhà có thể có tác động tâm lý đến tất cả mọi người với những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, sự hiểu biết và ý thức giữ gìn an toàn cho nhau của đại bộ phận người dân bây giờ, cùng với thời gian cách li trong nhà hay thực hiện giãn cách xã hội cũng không phải quá dài thì sự tác động đến mức trầm cảm là điều khó xảy ra. Nếu có, thì đó là sự cộng hưởng của rất nhiều nguyên nhân khác nữa chứ không hoàn toàn do dịch. Quan trọng là mỗi người đều ý thức về mức độ nguy hiểm của COVID-19 và sự cố gắng của Chính phủ, sự chung tay của người dân trong thời gian vừa qua để tự điều chỉnh, điều tiết nếp sống, nếp sinh hoạt của bản thân sao cho tốt nhất và ít xáo trộn nhất. Và theo quan sát thì tôi thấy đa số người dân đều đã làm tốt điều này" – Chuyên gia tâm lý nhận định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Từ khóa:

covid-19

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước