Sao chổi McNaughts trên vịnh Sleaford Bay, bán đảo Eyre, Nam Australia vào năm 2007
Tháng 7 này, những người yêu thiên thể và bầu trời đêm có cơ hội ngắm nhìn rõ nét một sao chổi đặc biệt ghé qua Trái Đất. Đây có thể xem là cơ hội chiêm ngưỡng có một không hai, bởi sao chổi phát sáng này sẽ không quay trở lại hành tinh xanh cho đến tận năm 8.786.
Trước đó vào ngày 27/3, các nhà thiên văn học đã quan sát thấy một sao chổi nhỏ mờ bay qua hành tinh chúng ta nhờ kính thiên văn vũ trụ NEOWISE của NASA. Họ xếp loại sao chổi này dưới tên C/2020 và không chú ý nhiều lắm, vì ánh sáng phát ra lúc đó rất yếu. Tuy nhiên, sao chổi C/2020 sau khi sống sót qua đợt tiếp cận Mặt Trời có vẻ đang quay ngược về Trái Đất với độ sáng ngày một lớn hơn, được dự báo là sẽ bùng sáng mạnh và hoàn toàn có thể quan sát được bằng mắt thường.
Hình ảnh về sao chổi C/2020 ghi lại bởi nhiếp ảnh gia thiên văn Zolt Levay
Nhiếp ảnh gia thiên văn Zolt Levay đã phấn khích chia sẻ những tấm ảnh mình tự tay chụp được về sao chổi C/2020 này từ Bloomington, Indiana (Mỹ) vào sáng ngày 6/7. Anh chia sẻ trên trang cá nhân của mình: “Tuy không xuất hiện với kích cỡ lớn ngoạn mục, sao chổi này lại mang phần lõi sáng và đuôi nổi bật. Cho đến thời điểm hiện tại, đây vẫn là sự kiện ấn tượng hơn nhiều so với hai sao chổi được dự báo trước đó”.
Chuyên gia về sao chổi John E. Bortle cho biết, màn “trình diễn” của C/2020 là đáng kinh ngạc, vì các sao chổi thường bị tiêu hủy khi tiến gần đến Mặt Trời. Ông cho rằng thiên thể này đang trải qua quá trình bùng phát và phân rã tuy chậm nhưng tăng tiến.
Ảnh chụp sao chổi NEOWISE C/2020 của phi hành gia Ivan Vagner từ Trạm vũ trụ quốc tế
Ngay cả các phi hành gia trên Trạm vũ trụ quốc tế cũng rất hào hứng khi phát hiện sao chổi này. Cuối tuần trước, phi hành gia người Nga Ivan Vagner đã chia sẻ tấm ảnh chụp thiên thể này ở bên ngoài cửa sổ của trạm. Anh viết: “... đây là sao chổi sáng nhất trong vòng 7 năm qua. Từ trên Trạm vũ trụ quốc tế có thể nhìn rõ thấy chiếc đuôi của sao chổi đó!”
Bắt đầu từ ngày 12/7, C/2020 sẽ trở nên rõ nét hơn trên bầu trời đêm phía Tây Bắc, sau đó vị trí của sao chổi sẽ cao lên dần. Vào ngày 22/7, thiên thể này sẽ ở khoảng cách gần Trái Đất nhất, đây cũng là thời điểm quan sát rất lý tưởng. Đến ngày 25/7 thì sao chổi sẽ nằm tại góc 30 độ từ đường chân trời phía Tây Nam, sau khi mặt trời lặn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!