Có một người phụ nữ đã sớm nhận ra tác hại khủng khiếp của rác thải nhựa và đã có những hoạt động nhằm thay đổi hành động của cộng đồng. Việc nhiều doanh nghiệp, siêu thị lớn đã có nhiều sự thay đổi như dùng lá chuối gói rau, dùng ống hút tre, tạo nên một trào lưu tiêu dùng tích cực cũng chính từ ý tưởng, nỗ lực và sự hợp tác của cô. Đó là Selena Le, Nhà sáng lập Chương trình No Waste Vietnam, tạm dịch là Việt Nam không rác thải.
Có những doanh nghiệp đã nhận thức được ý nghĩa lớn lao của những vật dụng thay thế nylon, đồ nhựa 1 lần bằng các sản phẩm tự nhiên ít ảnh hưởng môi trường. Nhưng để làm được việc có ý nghĩa như vậy, họ cũng phải đối diện với những áp lực như chi phí, tìm kiếm sự liên kết của nhà cung cấp.
Bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp, để sự thay thế đồ nhựa thực sự bền vững cũng cần ý thức rất lớn từ phía người tiêu dùng. Hiện nay, mỗi năm Việt Nam có không dưới 1,8 triệu tấn rác thải nhựa không được xử lý, chiếm gần 6% lượng rác thải nhựa trên toàn thế giới.
Thành công ban đầu tại các siêu thị, các cửa hàng là rất đáng khích lệ nhưng sự thay đổi này cần phải trở thành một quy trình cụ thể và lâu dài trong hoạt động của các doanh nghiệp chứ không chỉ là sự ủng hộ theo xu hướng nhất thời.
Cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đều có thể tạo nên những áp lực để cùng thay đổi trong việc sử dụng, sản xuất và phân phối các sản phẩm đồ nhựa. Dĩ nhiên, quá trình thay đổi có thể diễn ra trong thời gian dài nhưng đó phải là sự nỗ lực không ngừng của cả cộng đồng.
Một ví dụ từ thế giới là nước Anh. Mang theo túi khi đi siêu thị đã trở thành thói quen của rất nhiều người Anh và cả những người nước ngoài đang sinh sống tại đây. Thông điệp đưa ra ở mỗi quầy thanh toán là siêu thị không còn bán những chiếc túi dùng một lần mà đã thay thế bằng những chiếc túi mua 1 lần, dùng cả đời.
Ở khu bán đồ picnic, trên kệ giá là những chiếc cốc, đĩa, bát, ống hút đều hoàn toàn được làm bằng giấy. Thậm chí, người đi mua thức ăn sẵn còn được khuyến khích mang theo hộp của mình để hạn chế việc phải bỏ đồ ăn vào những chiếc hộp nhựa dùng một lần có sẵn tại siêu thị.
Chính sách để khuyến khích người dùng và doanh nghiệp hạn chế sử dụng túi nylon rất đa dạng. Nếu như trước đây, khách hàng sẽ được giảm tiền nếu không sử dụng túi nilon miễn phí thì nay, người dùng sẽ phải trả tiền để mua túi nylon.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!