Thế giới quyết tâm chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã

An Khê-Thứ tư, ngày 02/04/2014 11:33 GMT+7

Tuyên bố London về Buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã đã được 46 nước thông qua ngày 13/2 tại London (Anh), nhằm thể hiện quyết tâm chấm dứt tình trạng này bằng nhiều giải pháp và hành động cụ thể.

Trong hai ngày 12 và 13/2/2014, lãnh đạo hơn 40 quốc gia đã tham gia Hội nghị London về Buôn bán trái phép loài hoang dã tại thủ đô London, Anh. Hội nghị do Chính phủ và Hoàng gia Vương quốc Anh khởi xướng, có sự hiện diện của Thái tử Charles, các hoàng tử William, Henry, và nhiều đại diện cấp cao là tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng, quan chức cấp cao của hơn 40 quốc gia và 10 tổ chức liên chính phủ, nhằm huy động sự tăng cường phối hợp và hỗ trợ, cũng như các cam kết ở cấp cao trên bình diện quốc tế để đấu tranh với tình trạng buôn bán trái phép các loài hoang dã, là vấn đề đang trở thành mối quan tâm toàn cầu.

‘ Những chú tê giác hiếm hoi tại vường quốc gia Kruger, Nam Phi

Theo một thống kê tại hội nghị, có hơn 10.000 cá thể voi, trên 1.000 cá thể tê giác bị giết hại năm 2013 ở Châu Phi, cùng với nhiều loài hoang dã nguy cấp khác đang dần bị khai thác cạn kiệt để phục vụ nhu cầu buôn bán trái phép qua biên giới xảy ra ở các Châu lục đã ảnh hưởng tiêu cực không những tới môi trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên, đẩy nhiều loài đến bờ vực tuyệt chủng, tác động đến thu nhập của người dân bản địa, mà còn đang trở thành vấn đề tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, có các mối liên hệ với tội phạm buôn bán ma tuý, buôn người, rửa tiền, trong nhiều trường hợp còn có liên quan tới buôn bán vũ khí và khủng bố. Một báo cáo khác cho biết, khoảng 3.000 con voi bị giết vào năm 2013, tương đương 100 con chết mỗi ngày. Trong vòng 10 năm qua, 62 % voi rừng châu Phi đã biến mất. Nếu tỷ lệ này tiếp tục duy trì, voi rừng có thể sẽ tuyệt chủng trong vòng 10 năm tới. Cách đây khoảng 100 năm, số lượng hổ hoang dã sống ở châu Á là 100.000. Nhưng ngày nay, chỉ còn chưa đến 3.200 cá thể sống trong môi trường tự nhiên, Thái tử Charles cảnh báo.

Kết thúc hai ngày làm việc, Hội nghị đã thông qua "Tuyên bố London về Buôn bán trái phép các loài hoang dã". Trong bản Tuyên bố này, đại diện của các chính phủ và các tổ chức liên chính phủ quốc tế đã ghi nhận quy mô và các hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, an ninh và môi trường của nạn buôn bán trái phép loài hoang dã, và quyết tâm hành động để chấm dứt tình trạng này bằng nhiều giải pháp và hành động cụ thể, đồng thời kêu gọi sự cam kết, hợp tác, hỗ trợ của tất cả các quốc gia, các tổ chức quốc tế có liên quan để sớm ngăn chặn và loại trừ nạn buôn bán trái phép loài hoang dã qua biên giới đang xảy ra trên toàn cầu.

Thể hiện quyết tâm ngăn chặn nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã, Tuyên bố London đưa ra nhiều giải pháp quan trọng như xóa bỏ thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã, tăng cường hiệu quả của hệ thống pháp luật ở các quốc gia, nâng cao vai trò của cộng đồng dân cư, thúc đẩy sự phát triển bền vững. Các đại biểu tham dự hội nghị cũng nêu lên sự cần thiết phải sửa đổi luật pháp để xác định hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã là "một loại tội phạm nghiêm trọng" xét theo các điều khoản của Công ước Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm có tổ chức và xuyên quốc gia.

‘ Ngăn chặn nạn buôn bán ngà voi bất hợp pháp

Hiện nay, nhiều mạng lưới tội phạm có tổ chức đã đứng sau, "bảo kê" và tiếp tay cho nạn buôn bán động vật hoang dã, làm nảy sinh tham nhũng và đe dọa sự nghiêm minh của pháp luật. Theo ước tính, nạn buôn bán trái phép ngà voi, sừng tê giác, hổ, đã mang lại lợi nhuận "đen" khoảng 19 tỉ USD/năm cho các tổ chức tội phạm. Số liệu của các nhà sinh thái cũng cho thấy mức độ săn bắn trái phép tê giác trong năm ngoái đã tăng 75 lần so với năm 2007.

Theo bà Heather Sohl - Cố vấn cấp cao của Quỹ Bảo vệ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) tại London, bản tuyên bố được thông qua tại hội nghị lần này là một thông điệp mạnh mẽ, khẳng định buôn bán trái phép động vật hoang dã cũng là một tội ác nghiêm trọng cần được ngăn chặn. Không chỉ triệt phá môi trường thiên nhiên và đẩy các loài vào nguy cơ tuyệt chủng, nạn buôn bán trái phép còn ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia.

Dự kiến, hội nghị về Buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã tiếp theo sẽ được tổ chức để tổng quan lại những nỗ lực triển khai theo Tuyên bố chung vào năm 2015. Bostwana là quốc gia đề xuất sẽ chủ trì hội nghị.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước