Tại phố Hàng Mã, bên cạnh màu đỏ rực rỡ của những món đồ trang trí ngày Tết vẫn luôn có những bộ đồ cúng Táo quân, cá chép, ngựa giấy, oản hoa... Đây là thời điểm ăn nên làm ra của các cửa hàng tại phố Hàng Mã khi lượng đồ cúng tiêu thụ trên thị trường tăng cao. Ở các khu chợ dân sinh, từ cửa hàng trái cây cho đến sạp bán quần áo đều có treo thêm hàng chục bộ đồ cúng Táo quân để bán cho khách có nhu cầu.
Chị Nguyễn Ngọc Hà - một người bán đồ hàng mã tại chợ Nghĩa Tân, Cầu Giấy - chia sẻ, năm nay bộ đồ cúng Ông Công - Ông Táo có giá cả không chênh lệnh nhiều so với năm ngoái, mẫu mã lại có phần đa dạng hơn, màu sắc đẹp hơn, thậm chí nhiều món còn được gia công rất cẩn thận, công phu và chau chuốt.
Chị Hà cũng cho hay ngay từ Rằm tháng Chạp, đồ cúng Táo quân đã được nhập về bán nhưng tiêu thụ rất lẻ tẻ. Bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp, số lượng người tìm mua đồ hàng mã mới tăng lên đáng kể.
Năm nay, đồ cúng ông Táo đa dạng hơn, đẹp hơn nhưng giá không thay đổi nhiều so với năm 2017
Chị Hà chia sẻ: "Đồ cúng Táo quân năm nay có nhiều mẫu mã và nhiều giá tiền, từ 25.000 - 50.000 đồng bộ cỡ nhỏ và vừa, những bộ cỡ lớn có giá từ 75.000 - 120.000 đồng/bộ. Năm nay, đồ được làm từ giấy thếp vàng óng ánh đẹp mắt, trông rất tinh xảo và khéo léo nhưng không quá đắt. Bên trong mỗi bộ cũng có chuẩn bị sẵn 3 con cá chép giấy, nhưng nếu khách không thích thì vẫn có thể mua thêm cá chép sống về để cúng và phóng sinh".
Bên cạnh đồ cúng Táo quân, hàng mã năm nay cũng có thêm một số mặt hàng mới như thẻ ATM, iPhone X, bánh chưng, bánh tét... Tùy vào điều kiện và mục đích, người dân có thể mua sắm thêm để cúng cho ông bà tổ tiên.
Chị Hà nhận định: "Những đồ hàng mã gia dụng bán vào thời điểm 23 tháng Chạp không thể nào bán chạy bằng dịp Rằm tháng Bảy, nhu cầu không cao, tiêu thụ chậm. Nhưng cửa hàng tôi vẫn phải bán vì vẫn có những người muốn cúng gia tiên, đốt đồ cho các cụ dùng trong năm mới".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!