Việc ứng dụng công nghệ số nhằm hỗ trợ nâng cao trải nghiệm của khách tham quan tại di tích, bảo tàng, điểm tham quan du lịch đồng thời cập nhật đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.
Theo Kế hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn đến 2025 và các năm tiếp theo vừa được ban hành, UBND TP. Hà Nội yêu cầu các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, phát triển di sản văn hóa.
Cụ thể, chính quyền Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải tư liệu hóa, số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu thành phố về di sản văn hóa; ứng dụng công nghệ số hỗ trợ nâng cao trải nghiệm của khách tham quan tại di tích, bảo tàng, điểm tham quan du lịch; cập nhật với cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.
100% di tích tại Hà Nội sẽ được số hoá trong thời gian tới
Đối với di tích thành phố quản lý, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng khung ý tưởng, xác lập bộ tiêu chí tạo lập cơ sở dữ liệu; số hóa 360° cảnh quan, kiến trúc và không gian di tích; số hóa 2D và nhập liệu toàn bộ hồ sơ di tích, di sản Hán Nôm tại di tích, tài liệu lưu trữ liên quan tới di tích; thiết kế hệ thống, thiết kế giao diện website và app; Lập trình các tính năng nhà quản trị; Số hóa 3D di sản vật thể tiêu biểu, số hóa di sản phi vật thể; Biên soạn thuyết minh hiện vật: dịch thuật và chú thích hiện vật có chữ Hán Nôm; nghiên cứu và viết thuyết minh hiện vật, di tích.
Hà Nội cũng sẽ số hóa toàn diện di tích: bao gồm hiện vật, cảnh quan, kiến trúc, bi kí, thư tịch, lễ hội, hồ sơ di tích, các văn bản pháp luật liên quan đến việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Kiến trúc và cảnh quan khu di tích; Di vật, hiện vật trong di tích....
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!