Nhưng hiện nay, ở Việt Nam, còn ít người có hiểu biết về dạng tổn thương này, vì vậy, thường đến viện khi đã muộn, buộc phải làm phẫu thuật.
Khớp gối được tạo thành bởi 3 xương: xương đùi, xương chày và xương bánh chè. Ngoài ra còn có hệ thống sụn có tác dụng bọc đỡ và giảm sóc khi vận động và giữ cho khớp gối được vững vàng. Hệ thống dây chằng bên trong, bên ngoài và hai dây chằng chéo trước và chéo sau nhằm giữ cho khớp gối vững chắc. Nhờ có sự vững chắc này mà chúng ta có thể thực hiện được các động tác vận động nhanh, mạnh và dứt khoát. Nhưng đôi khi, trong quá trình vận động, dây chằng chéo có thể bị giãn hoặc đứt.
Khi có tổn thương ở khớp gối, bạn không nên chủ quan mà cần đi khám ngay. Nếu có hiện tượng giãn dây chằng, bác sĩ có thể cho bất động bệnh nhân bằng nẹp kết hợp với điều trị bằng thuốc. Ngược lại, nếu không xử lý cẩn thận, mà vẫn tiếp tục vận động mạnh, có thể dẫn đến đứt dây chằng, buộc phải phẫu thuật.
Với sự phát triển của phẫu thuật nội soi, điều trị đứt dây chằng chéo trước đã đạt được những tiến bộ vượt bậc, trả lại chức năng khớp gối của bệnh nhân gần như bình thường.
Sau đây là lời khuyên của bác sĩ để tránh bị tổn thương khớp gối:
- Trước khi luyện tập thể dục thể thao, cần phải tập khởi động toàn thân và khớp gối để khi vận động cơ thể nói chung và khớp gối nói riêng được trơn tru, thuận lợi.
- Không nên đá chân cao một cách đột ngột để tránh tổn thương khớp gối.
- Trong tập luyện một số môn thể thao dễ gây chấn thương, nên bó khớp gối bằng băng thun để bảo vệ.
- Tránh các tư thế gây hại cho khớp gối như: tránh ngồi gác chéo chân, tránh ngồi xổm. Cũng không nên khuân vật nặng hay đứng lâu cũng dễ làm cho khớp gối nhanh bị thoái hóa.
- Nên đi giầy dép có đế rộng, độ cao vừa phải, khoảng 3cm. Nếu đi giầy dép cao gót sẽ tăng áp lực lên khớp gối.
- Tránh thừa cân, vì thừa 1kg thì khớp gối phải chịu đựng sức nặng tăng gấp 5 lần.