Không chỉ riêng Việt Nam, nhiều nước châu Á khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore cũng có Tết Trung thu. Tết Trung thu đã trở thành một trong những ngày tết truyền thống lớn nhất trong năm, được các vùng miền tổ chức với những bản sắc và phong tục riêng.
Tại Việt Nam, đây được coi là “Tết của thiếu nhi”, vì vậy người lớn thường mua tặng trẻ em, con cháu trong nhà nhiều đồ chơi và những món quà đa dạng. Đây cũng là dịp để các thành viên trong gia đình cùng quây quần bên mâm cỗ đón trăng, vì vậy, Tết Trung thu còn được biết với tên gọi Tết Đoàn viên, mang nhiều giá trị tinh thần và nhân văn sâu sắc.
Trải qua thời gian, Tết Trung thu ngày nay đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Từ việc chơi Tết Trung thu, tặng quà trẻ nhỏ hay bày biện mâm cỗ Trung thu…, tất cả đều mang một màu sắc riêng, có những khác biệt rõ ràng so với ngày Tết Trung thu truyền thống.
Đồ chơi cho trẻ em
Đồ chơi truyền thống gồm mặt nạ, trống, đầu sư tử...
Hình ảnh nhiều bạn nhỏ đeo mặt nạ, cầm chiếc đèn ông sao đã trở thành biểu tượng không thể nào thay thế trong những dịp Trung thu xưa. Cứ đến Tết của thiếu nhi, người lớn lại tự làm hay mua những món đồ chơi truyền thống, thủ công như đèn lồng, đèn ông sao, đầu sư tử, mặt nạ, trống… để trẻ em cầm chơi trong đêm hội trăng rằm. Những món đồ rất đơn giản, được làm từ giấy màu, keo dán nhưng vô cùng bắt mắt và nhiều màu sắc, khiến trẻ háo hức, ngóng chờ đến lúc được thắp đèn đi chơi, khoe với bạn bè.
Trung thu trong thời hiện đại, người người đều bận rộn, hiếm thấy ông bố bà mẹ nào tự tay làm đồ chơi Trung thu cho con mà thường đi mua. Đồ chơi Trung thu bán sẵn trên thị trường cũng không còn nhiều những chiếc đèn ông sao, đèn lồng như trước. Thay vào đó là sự xuất hiện của các món đồ hiện đại hơn, đắt tiền hơn, có hình thù các nhân vật hoạt hình được trang bị thêm pin, điện hay nhạc vô cùng đa dạng.
Mâm cỗ Trung thu
Mâm cỗ cúng trăng truyền thống trong ngày Tết Trung thu ở Việt Nam thường có 5 loại quả tượng trưng cho ngũ hành trong Trái Đất cùng với bánh nướng và bánh dẻo. Những loại quả thường là “mùa nào thức nấy”, phổ biến nhất vẫn bao gồm: bưởi, hồng, chuối… Bánh dẻo, bánh nướng là 2 loại bánh đặc trưng của Tết Trung thu ở Việt Nam, có hình tròn hoặc hình vuông tượng trưng cho đất trời hay sự viên mãn sung túc. Bánh nướng có vỏ ngoài vàng óng từ trứng gà, bánh dẻo màu trắng ngà với mùi thơm đặc trưng. Những miếng bánh trung thu ngọt lịm được dùng cùng trà xanh, thường là trà đặc – một trong những thức uống yêu thích của người Việt Nam nói riêng và người Á đông nói chung.
Ngày nay, mâm cỗ Trung thu cũng được “hiện đại hóa” với hàng chục loại bánh kẹo nội, ngoại khác nhau. Hoa quả bày mâm cũng đa dạng hơn nhiều, không chỉ có chuối, bưởi, hồng... như trước. Mâm cỗ cũng vì thế trông lung linh và bắt mắt hơn. Tuy thế, các bà nội trợ không còn cầu kỳ trong việc cắt tỉa những thứ lạ mắt như chó bông bằng bưởi, làm phong phú thêm cho mâm cỗ Trung thu.
Mâm cỗ Trung thu ngày nay với nhiều loại hoa quả, bánh kẹo phong phú
Bánh Trung thu
Bánh Trung thu thể hiện rõ nét nhất những thay đổi trong lễ đón Trung thu xưa và nay. Xưa, bánh Trung thu chỉ gói gọn bằng chiếc bánh nướng, bánh dẻo với nhân thập cẩm. Không quá cao sang với nhân cao cấp như các loại bánh hiện đại, bánh Trung thu xưa mang đậm hương vị cổ truyền, lấy nguồn nguyên liệu gần gũi, giản dị như đỗ xanh, thịt lợn, lá chanh, lạc, vừng… làm nhân bánh.
Bánh Trung thu cổ truyền mộc mạc bởi được làm thủ công từ bàn tay khéo léo của con người chứ không cậy nhờ tới công nghệ sản xuất dây chuyền và máy móc sản xuất hiện đại. Cuộc sống ngày nay, mâm cỗ đêm rằm cũng trở nên phong phú và trang trọng hơn nhờ có sự góp mặt của các loại bánh lạ miệng, đẹp mắt. Nhưng trong tâm thức người Việt chẳng thể nào quên bánh Trung thu xưa, thứ hương vị ngọt bùi, thanh tao, mang hơi thở của hương đồng gió nội.
Nhân bánh Trung thu thập cẩm truyền thống
Ngày nay, bánh Trung thu được sản xuất phổ biến, đại trà với mẫu mã, chủng loại và giá cả vô cùng phong phú. Những ngày cận Tết Trung thu, các cửa hàng hay ki-ốt đều giới thiệu tới người dùng những loại bánh với hương vị khác nhau. Ngoài bánh Trung thu truyền thống, chúng ta có cơ hội thưởng thức nhiều dòng khác nhau như bánh Trung thu mặn (nhân thập cẩm, gà quay,lạp xưởng, trứng muối,…), bánh Trung thu chay (nhân đậu xanh, khoai môn, hạt sen) cùng bánh Trung thu được làm từ rau câu hoa quả hay chocolate. Các loại bánh này đã thổi thêm vào đời sống ẩm thực của người Việt một luồng gió mới, phong phú và đa dạng hơn.
Bánh Trung thu ngày nay với mẫu mã đa dạng khác nhau
Chơi Trung thu
Theo truyền thống, trong đêm hội Trung thu, người Việt sẽ tổ chức múa lân (múa sư tử) trong tiếng trống huyên náo tạo nên không khí Trung thu tưng bừng. Đoàn múa lân gồm nhiều em nhỏ đi đến trước cửa từng nhà trong thôn, xóm để trình diễn những điệu múa đẹp mắt. Sau đó, chủ nhà thưởng cho đoàn múa lân một chút tiền lẻ để lấy may mắn.
Cũng trong ngày Tết này, trẻ em được phá cỗ trông trăng ở gia đình hoặc khu xóm và hòa mình vào các trò chơi dân gian như rồng rắn, hát đồng dao, bịt mắt đánh trống. Tại những vùng nông thôn, người nông dân cũng sẽ gác lại công việc đồng áng của mình để cùng nhau đón trăng, gửi tới nhau những lời chúc tốt lành.
Cách đón Trung thu của các em nhỏ tại một vùng quê Bắc Bộ
Ngày nay,một số vùng quê Việt vẫn giữ được nét truyền thống trong việc tổ chức chơi Trung thu cho trẻ em. Đêm 14/8 Âm lịch, nhiều bạn nhỏ được tham gia chương trình văn nghệ, tập trung thi cắm trại theo đơn vị xóm, làng. Ngày 15/8, các bạn được phá cỗ Trung thu và chơi các trò chơi dân gian. Tuy nhiên, tại các khu vực đô thị, do đất chật người đông, cuộc sống hối hả nên những hoạt động trên thường khó tổ chức theo quy mô lớn.
Trẻ em thành thị đón Trung thu bằng cách cùng bố mẹ tới những địa điểm tổ chức Trung thu, thường tại các trung tâm thương mại hay ngắm phố phường. Vì thế, ngày Tết Trung thu của trẻ em thành phố không còn mang nhiều hương vị đặc trưng so với trước đây.
Trung thu ngày nay của nhiều trẻ em thành phố
Trung thu xưa và nay, ngày càng có nhiều những điều khác biệt. Tuy nhiên, mỗi thời mỗi khác, mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Ngày Tết Trung thu, dù cách thưởng thức của mỗi người có khác nhau nhưng đây vẫn là ngày lễ giữ được ý nghĩa thiêng liêng, là Tết cho thiếu nhi, là Tết đoàn viên để mỗi người có dịp quây quần bên gia đình.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.