Hạt gấc màu vàng, vị đắng, hơi ngọt, có tác dụng chống viêm, giảm đau. Dân gian thường dùng rượu ngâm hạt gấc để chữa đau răng, chảy máu chân răng, đau khớp, vết thương sưng tấy nhưng rượu gấc chỉ nên bôi ngoài da, không bôi lên vết thương hở. Các chuyên gia khuyên người dân không nên uống rượu gấc để trị bệnh khi chưa có tư vấn của thầy thuốc để phòng ngộ độc rượu.
ThS. BS Lưu Chi Mai, chuyên khoa II, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết, rượu ngâm hạt gấc dùng để xoa bóp, nếu uống sẽ rất nguy hiểm vì hạt gấc có tính độc. BS Mai lưu ý, khi xoa bóp, không xoa bóp ở vết thương hở.
ThS. BS Lưu Chi Mai, chuyên khoa II, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương.
Nếu uống rượu ngâm hạt gấc, bạn có thể bị co giật, suy hô hấp vì hạt gấc có tính độc. Ngay cả khi ngâm để xoa bóp, bạn cũng nên nướng chín vỏ ngoài hạt gấc cháy thành than rồi lấy nhân hạt gấc ngâm.
Ngoài ra, bạn cũng cần làm theo hướng dẫn của thầy thuốc để sử dụng đúng cách, tránh ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
BS Mai cho biết, bạn có thể ngâm 30-40 hạt gấc giã nát với 500ml rượu, sau 2 tuần có thể dùng để xoa bóp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!