Theo CNN, Sahara - sa mạc lớn nhất thế giới vẫn đang không ngừng “phình” lớn hơn, với diện tích trải rộng trên 11 quốc gia ở phía bắc châu Phi. Một kế hoạch đầy tham vọng do Liên minh châu Phi đưa ra vào năm 2007 nhằm ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa, tìm lại màu xanh, cải thiện tình trạng chất lượng đất ngày càng xấu đi, thiếu thảm thực vật dẫn đến mất an ninh lương thực. Sáng kiến The Great Green Wall (GGW - “Bức tường xanh vĩ đại” hay còn được gọi là “Vạn lý trường thành xanh” mang hy vọng khôi phục 100 triệu ha đất giữa Senegal và Djibouti, tạo thành một bức tường rộng 15 km và dài 8.000 km bao phủ bởi cây cối, thảm thực vật, đồng cỏ… GGW còn được kỳ vọng, đến năm 2030 sẽ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho nông nghiệp bền vững, tạo ra hơn 10 triệu việc làm.
Liên minh ban đầu có các quốc gia như Burkina Faso, Chad, Djibouti, Eritrea, Ethiopia, Mali, Mauritania, Niger, Nigeria, Senegal và Sudan, sau đó có thêm nhiều nước cùng hưởng ứng để chung tay ngăn chặn những tác động tiêu cực từ những hệ quả do phá rừng, sa mạc hóa, biến đổi khí hậu… Kế hoạch ban đầu của siêu dự án GGW là phủ xanh bằng cách trồng cây nhằm ngăn chặn tình trạng xói mòn đất, thúc đẩy đa dạng sinh học, tạo chỗ trú ẩn cho các loài động vật. Tuy nhiên, hướng đi này gặp không ít thách thức khi nhiều loại cây tỏ ra khó thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khắc nghiệt, việc chăm sóc cây cũng không đơn giản ở những khu vực thưa vắng cư dân. Bản thân người dân ở nhiều nơi cũng chưa cảm thấy bị thu hút vào kế hoạch phủ xanh này do tập quán sinh hoạt bấy lâu… Ngoài ra, những cuộc xung đột vũ trang, tình trạng bất ổn về chính trị cũng gây chia cắt những nỗ lực chung tay thực hiện dự án GGW.
Trồng cây giống ở Senegal cho dự án The Great Green Wall (ảnh: FAO)
Vì thế, dù được chứng minh là có ý nghĩa vô cùng cấp thiết, là sứ mệnh mang tính đột phá, lột xác cho “lục địa đen” nhưng tính tới năm 2020, GGW mới chỉ đạt 4% mục tiêu đặt ra. Theo Business Insider, tốc độ quá chậm chạp này khiến các nhà lãnh đạo quyết định hỗ trợ 19 tỷ USD để đưa GGW bước sang giai đoạn tăng tốc với những điều chỉnh cần thiết để nâng cao hiệu quả và tiến độ.
“Chúng tôi đã chuyển tầm nhìn về bức tường xanh vĩ đại từ không thực tế, thiếu thực tế sang hướng đi thực tế hơn” - một chuyên gia về môi trường cho biết. Thay vì tập trung phủ xanh bằng việc trồng rừng, GGW chuyển dịch thành những công việc phù hợp, bám sát với đời sống, thói quen canh tác thường ngày của người dân bản địa. Thay vì tập trung trồng cây mới, người dân địa phương được khuyến khích chăm sóc nguồn cây sẵn có bao gồm cả cây bụi, cây lớn, thiết kế xây dựng hệ thống tưới tiêu... Không có cách tiếp cận, công thức chung để ngăn chặn sa mạc hóa cho tất cả các quốc gia châu Phi mà hành trình xây “Vạn lý trường thành xanh” đang dần hiệu quả hơn bằng các dự án do chính nông dân thực hiện. Elvis Paul Tangem, điều phối viên của sáng kiến GGW tại Ủy ban Liên minh châu Phi, cho biết, sau hơn một thập kỷ vận hành, một trong số những bài học lớn nhất được rút ra là tầm quan trọng của sự hợp tác cộng đồng. Ông nói: “Chúng tôi đã quay lại các cộng đồng và xem xét chính xác nhu cầu của họ cũng như kiến thức và thực tiễn bản địa đã tồn tại trong nhiều thế kỷ”.
Trồng cây giống ở Senegal (ảnh: CNN)
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), việc thực hiện các hành động chống sa mạc hóa ở khu vực vùng đệm Sahara (Sahel) không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu mà còn có cả ý nghĩa thương mại đối với các nhà đầu tư. Theo đó, mỗi 1 USD đầu tư vào dự án có thể mang đến khoản lợi nhuận trung bình là 1,2 USD. Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ FAO, hơn 500 cộng đồng ở châu Phi đã nhận thức rõ ràng hơn về an ninh lương thực cũng như cơ hội cải thiện thu nhập thông qua việc canh tác, trồng trọt với các loại cây có sức chịu đựng tốt, giá trị kinh tế cao.
Theo thống kê, tới năm 2023, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc cho biết dự án GGW đã hoàn thành 18%, khôi phục 19 triệu ha đất và tạo ra 350.000 việc làm. Vẫn còn một khoảng cách xa để thực hiện mục tiêu vào năm 2030 nhưng tín hiệu đáng mừng là tốc độ xanh hóa đang ngày một nhanh hơn so với sức xâm lấn của sa mạc hóa.
Phim tài liệu The Great Green Wall (ảnh: IMDb)
The Great Green Wall là một bộ phim tài liệu đáng chú ý ra mắt vào năm 2019. Nhân vật chính trong phim - nữ ca sĩ Inna Modja - có chuyến hành trình đi dọc bức tường xanh vĩ đại qua các quốc gia châu Phi để chia sẻ cảm nhận, tầm nhìn của dự án này. Đó là lá chắn vững vàng chống lại hạn hán, sa mạc hóa, biến đổi khí hậu, nạn đói, tình trạng di cư, đồng thời là biểu tượng cho sự gắn kết những nỗ lực, tầm nhìn chung của các quốc gia châu Phi.
Người kể chuyện Hành tinh xanh VTV.vn - Theo Smithsonian Magazine, trong 70 năm sự nghiệp, David Attenborough đã đưa thế giới tự nhiên qua màn ảnh nhỏ, vào tới phòng khách, tới tận các thiết bị xem truyền hình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!