Váy mã diện có nghĩa là váy mặt ngựa bắt nguồn từ thời xa xưa. Chiếc váy truyền thống gồm có 2 mặt trước và sau. Phần bề mặt phẳng, hai bên có nhiều nếp gấp. Hai đầu của mảnh vải chồng lên nhau và quấn thành váy.
Những chiếc váy mã diện cổ trong bảo tàng.
Từ thời nhà Tống, phụ nữ dùng kiểu váy này để cưỡi lừa thuận tiện hơn. Ban đầu 2 mảnh vải được quấn thành váy, các đường xẻ của váy sẽ lộ ra ở mặt trước và mặt sau. Đến thời nhà Minh, những nếp gấp dần xuất hiện ở phần eo, đây là nguyên mẫu của chiếc váy mã diện hiện nay.
Theo Xinhuanet, mặt ngựa là một kết cấu kiến trúc phòng thủ cổ xưa, gồm một trụ hình chữ nhật nhô ra, rồi hai bên xếp lùi dần để người đứng núp ở bên trong dễ dàng quan sát kẻ thù tấn công từ nhiều phía. Nhìn từ xa, bề mặt của chiếc váy cũng có cấu trúc như "mặt ngựa" nên từ thời nhà Thanh được gọi là váy mã diện.
Diễn viên Thư Sướng diện váy mã diện cách điệu cùng áo len dài tay hiện đại.
"Người đẹp không tuổi" Triệu Nhã Chi mặc váy mã diện có hoa văn cách điệu.
Kiểu dáng và tay nghề dần thay đổi theo thẩm mỹ của mỗi triều đại. Từ những lăng mộ được khai quật, người ta có thể quan sát sự thay đổi của váy mã diện qua các triều đại khác nhau trong vòng 600 năm qua. Váy mặt ngựa đã từng có thời kỳ không được ưu ái nhiều, nhất là sau thời Trung Hoa Dân quốc, khi phụ nữ bắt đầu mặc quần tây nhiều hơn.
Váy áo cách điệu từ cổ phục giúp tôn lên nét đẹp thanh lịch của Đồng Dao.
Trong vài năm trở lại đây, phong trào mặc trang phục cổ xưa mới bắt đầu thịnh hành. Chiếc váy mã diện được hồi sinh vì tính năng tiện dụng. Nhiều nhà thiết kế, nhà may cũng đã có nhiều cách tân để thay đổi. Ngoài ra váy còn được may thêm lớp lót, thay đổi chất liệu phong phú hơn với các hoạ tiết thêu hoặc in. Phần trên thân váy cũng được sáng tạo thành nhiều mẫu áo đa dạng, đẹp mắt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!