Qua thời gian, phong cách ẩm thực người Hoa vẫn được các thế hệ nối tiếp duy trì. Những món ăn đặc trưng của người Quảng, người Tiều, người Phúc Kiến, người Hải Nam, người Hẹ đã định hình cả thế giới ẩm thực phong phú đa dạng tại khu vực Chợ Lớn.
Ẩm thực người Hoa vùng Chợ Lớn mang đặc trưng quen thuộc, đó là tính truyền đời. Không có gì ngạc nhiên khi thưởng thức ẩm thực ở Quận 5, Quận 6, Quận 10, Quận 11 thuộc TP Hồ Chí Minh, ngoài những món ăn ngon gắn với bản sắc cộng đồng người Hoa, thực khách còn có cơ hội nghe lại cả câu chuyện của bữa tiệc qua các đời người.
Gói trà bọc giấy ở cửa tiệm 70 năm
Tiệm trà Di Phát nằm trên một con đường nhỏ luôn tấp nập người qua lại ở Quận 11, TP Hồ Chí Minh từ lâu đã là địa chỉ quen thuộc với nhiều người Hoa. Họ mua trà uống hàng ngày, trà mang biếu, tặng và đặc biệt là trà khi cưới hỏi. Gia đình chú Quách Huê mở tiệm trà ở căn nhà nhỏ này đã hơn 70 năm. Tiệm trà nổi tiếng nhờ cách rang trà bằng phương pháp thủ công truyền thống, không tẩm ướp, qua 3 công đoạn chạy lửa (sấy bằng than) cho trà: lần đầu khử mùi nồng, mùi chát, lần thứ hai chạy với nước và lần thứ ba chạy lửa để làm khô trà. Ướp và ủ trà theo phương thức truyền thống của người Triều Châu giúp sản phẩm của tiệm trà cổ này luôn được mọi người yêu mến hàng chục năm qua.
Bà chủ tiệm khéo léo gói trà bằng giấy theo kiểu truyền thống.
Thành phẩm trà sau khi hoàn tất được đựng trong những thùng nhôm. Mỗi hộp chứa được khoảng 5 cân trà, giúp bảo quản nguyên hương vị và không bị mất mùi, ẩm mốc.
Nhiều bạn trẻ hào hứng đến tham quan tiệm trà lâu năm.
Bà Trần Dung (88 tuổi) cho biết, những vật dụng hầu như đều được giữ nguyên từ ngày gia đình bà mở tiệm. Hiện trong gia đình chỉ còn mình bà có thể gói trà bằng giấy theo cách truyền thống là hình vuông, hình bánh ú và một số loại gói hình viên kẹo. Dù tuổi đã cao nhưng bà Dung thao tác cân trà bằng chiếc cân cổ và gói trà bằng giấy nhanh thoăn thoắt. Bà cho biết, ngày nay thỉnh thoảng mới có những đám cưới hỏi nhờ bà gói theo cách truyền thống này. Còn lại mọi người chuộng những túi ni lông đóng gói sẵn để dễ vận chuyển, biếu tặng.
Mâm cơm quê nhà
Người gốc Phúc Kiến mỗi khi muốn ăn cơm quê hương lại tìm đến một quán ăn ở con hẻm cụt tại đường Gia Phú, Quận 6, TP Hồ Chí Minh. Nơi này vẫn giữ tập tục của người dân vùng chài lưới Phúc Kiến là phơi bong bóng cá, cá khô trên xà nhà để ăn dần. Món ăn Phúc Kiến nổi tiếng là một trong tám đại diện tiêu biểu của ẩm thực Trung Hoa với nguyên liệu chế biến từ hải sản.
Bong bóng cá treo trên xà nhà để dành dùng dần.
Một món ăn cầu kỳ, bổ dưỡng mà người Phúc Kiến rất tự hào khi giới thiệu về ẩm thực là Phật nhảy tường, nổi tiếng không kém dimsum của người Quảng hay cháo Tiều. Đây là một loại súp được sáng chế từ thời nhà Thanh. Với lịch sử tồn tại hơn 200 năm, món ăn này trở nên nổi tiếng vì câu chuyện thú vị trở thành tên gọi.
Món ăn cần rất nhiều nguyên liệu quý hiếm như bào ngư, hải sâm, bong bóng cá được nấu cùng các vị thuốc gia truyền được chế biến vô cùng kỳ công. Riêng phần nước dùng đậm đà hương vị phải đặt trong thố sứ để tiềm, chưng cách thuỷ trong 72 tiếng, tạo mùi thơm hấp dẫn. Chính vì thế, một nhà sư ở gần nơi nấu bếp đã không kiềm chế được mà nhảy sang bờ tường để xem. Cách đặt tên này hàm ý rằng món ăn không chỉ được chế biến cầu kỳ mà còn có sức hấp dẫn và mùi thơm tuyệt vời.
Mâm cơm truyền thống của người Phúc Kiến
Vì món ăn cầu kỳ, đắt đỏ nên không phải gia đình, nhà hàng nào cũng có thể chế biến thật ngon. Riêng người chủ nhà hàng ở đường Gia Phú vì muốn người gốc Phúc Kiến luôn được thưởng thức món ăn đúng vị quê nhà nên cố gắng duy trì nguyên liệu tươi ngon, an toàn nhất. Hiện nay, ông chủ đã lớn tuổi nên việc quản lý quán ăn do con trai và những người bạn thân thiết đảm nhiệm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!