Nếu nhà nào không làm món ăn này trong dịp Tết Thanh minh coi như đã thất lễ với tổ tiên. Món xôi đen của người Cao Lan xã Đại Phú được làm từ lá cây lau sau trên rừng. Đây là loại cây thân gỗ, nảy lộc non vào dịp tháng 3 và tháng 4 dương lịch.
Để làm được món xôi có màu đen nhánh, vừa thơm vừa ngậy, người Cao Lan ở đây phải rất vất vả và khéo tay mới thành công. Họ lên rừng tìm hái những lá cây lau sau non và lá bánh tẻ về rửa sạch, giã nhuyễn, cho lên bếp củi đun ấm, lấy nước ngâm với gạo nếp 2 đến 3 ngày trước khi cho gạo vào chõ xôi.
Sở dĩ phải lấy loại lá non và lá bánh tẻ bởi những lá này có nhiều nhựa để nhuộm đen được hạt gạo. Sau khi ngâm nếu thấy gạo nếp mềm và có màu xanh thẫm đều khắp thì vớt ra đem xôi. Đến độ chín, những hạt cơm nếp chín căng mọng, dẻo thơm ngậy mùi lá lau sau. Đĩa xôi có màu sắc đen bóng như hạt nhãn trông thật ấn tượng.
Cùng với bánh trôi thì món xôi đen là thức ăn không thể thiếu của người Cao Lan trong dịp Tết Thanh minh. Trước tết, nhà nào cũng phải lên rừng tìm bằng được loại cây lau sau để lấy lá, dự trữ loại gạo nếp thơm ngon nhất để làm xôi đen. Thoạt nhìn thì tưởng món xôi đen dễ làm nhưng không phải ai cũng có thể làm cho món xôi có màu sắc đen nhánh.
Người Cao Lan chỉ cần nhìn vào màu sắc của đĩa xôi đen có thể biết được kỹ thuật của người nấu chuẩn hay không. Nếu người khéo tay, nắm chắc kỹ thuật thì đĩa xôi sẽ có màu sắc đen nhánh, từng hạt cơm dẻo dính vào nhau, ngược lại xôi sẽ có màu tím nhạt, hạt cơm rời rạc, xôi ít ngậy. Do đó, trong khi ngâm gạo người nấu xôi rất coi trọng việc xem hạt gạo đã bắt màu chưa, đã có thể đem lên xôi hay chưa… Điều đặc biệt là do được làm từ loại lá lau sau nên xôi có thể bảo quản được rất lâu. Xôi có thể để được 2 đến 3 ngày mà vẫn thơm, dẻo.
Phong tục làm xôi đen trong Tết Thanh minh của người Cao Lan xã Đại Phú ngoài bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, mọi gia đình đều cầu mong một năm mạnh khỏe, cây trồng tươi tốt, cuộc sống no đủ, phát đạt.