Giấy phép con: Cắt cái này, lại "mọc" cái khác!

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 22/07/2017 17:28 GMT+7

VTV.vn - Đây là hiện tượng vẫn còn tồn tại trong quản lý các điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian dài vừa qua.

Trong năm 2014, Việt Nam có hơn 400 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với gần 7.000 điều kiện kinh doanh. Đến nay, con số này giảm xuống còn 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng điều kiện kinh doanh cho những ngành nghề này vẫn còn rất lớn. Theo thống kế, con số này là 5719 điều kiện kinh doanh, trong đó có không ít giấy phép con.

Chủ trương chung của Chính phủ là xóa bỏ giấy phép con để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động nhưng trên thực tế, cắt cái này thì cái khác lại mọc lên. Các bộ, ngành chưa thực sự muốn tự mình tước đi quyền quản lý đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các bộ ngành hiện nay đang quy định 3407 điều kiện kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực. Số điều kiện kinh doanh trong ngành công thương là nhiều nhất (khoảng 700), tiếp đến là tài chính (490), giao thông vận tải (376), y tế (327) và nông nghiệp phát triển nông thôn (270). Nhiều điều kiện kinh doanh được coi là hợp lý, cần thiết, còn có những cái được coi là giấy phép con đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết hiện phía hiệp hội doanh nghiệp chưa có thống kê cụ thể về điều kiện kinh doanh nhưng thực tế cho thấy, có nhiều ràng buộc đã được tháo gỡ. Mặc dù vậy, cũng phải khẳng định là có hiện tượng cắt bỏ thủ tục này vẫn sẽ phát sinh ra những thủ tục khác.

"Chúng tôi cho rằng Nghị quyết 19 của Chính phủ trong 3 năm gần đây đã có tác động, khiến các bộ ngành có liên kết với các hiệp hội, doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi mong những cải thiện tích cực sẽ nhanh và mạnh hơn", ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.

Trong khi đó, cùng quan điểm với ông Nguyễn Hoài Nam, ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, con số điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực hiện này còn có thể được cắt giảm nhiều hơn nữa.

"VCCI cho rằng còn có thể giảm được 1/10 những điều kiện kinh doanh hiện tại. Tuy nhiên, tôi cho rằng con số này còn quá ít. Chúng ta có thể bỏ 2/3 số đó" - ông Nguyễn Đình Cung phân tích thêm - "Dựa trên nghiên cứu cho thấy, cần xác định quản lý Nhà nước phải đặt mục tiêu để làm gì, những công cụ như kiểu giấy phép có đạt mục tiêu đó không? Hay giả sử nếu đạt mục tiêu thì chi phí sẽ như thế nào?..."

"Tôi cho rằng phần lớn công cụ đặt ra chỉ ngăn cản kinh doanh chứ không thúc đẩy và đạt mục tiêu quản lý Nhà nước, ví dụ như điều kiện cơ sở kinh doanh muốn hoạt động phải qua lớp tập huấn do Bộ được quyền cấp phép tổ chức, trong khi người ta có thể học đâu cũng được miễn là đạt trình độ đó... Tất cả những điều kiện kiểu này sẽ ngăn cản sự sáng tạo trong kinh doanh, ngăn cản xuất hiện của quy trình mới trong kinh doanh trong khi chính những yếu mới này lại thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế".

Ngoài ra, ông Nguyễn Đình Cung cũng kiến nghị rằng nên đưa ra xem xét vai trò, chức năng của từng bộ, trong đó phải tách khâu soạn thảo văn bản khỏi khâu thực thi quy định để tránh trường hợp "vừa đá bóng vừa thổi còi".

Rào cản giấy phép con gây khó doanh nghiệp Rào cản giấy phép con gây khó doanh nghiệp

VTV.vn - Sự chồng chéo và gánh nặng từ những "giấy phép con" đang là nỗi ám ảnh cho doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước