Những bức ảnh được chụp tại một sân cầu sũng nước và bùn đất. Trong các lễ hội cầu nước của làng Vân, sân cầu càng nhiều bùn đất càng tốt. Lễ hội này mang nét đặc trưng của nền văn minh lúa nước, thể hiện niềm khao khát của cư dân nông nghiệp, mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Quả cầu ở đây tượng trưng cho mặt trời. Quả cầu được các quân cầu mang, vác, cướp được cầu cũng có nghĩa là "cướp" được mặt trời, đem ánh nắng về cho lúa khoai. Lễ hội cầu nước thường được tổ chức vào giữa tháng 4 âm lịch hàng năm, thường từ ngày 12 đến ngày 14/4 âm lịch.
Việc tuyển chọn quân cầu diễn ra rất khắt khe. Tổng số quân cầu tham gia thi đấu trên sân là 16 người, đều là trai chưa vợ, khỏe mạnh, đang không chịu tang, không có bệnh tật, dị tật, không có can phạm, can án. Tất cả quân cầu đều được huấn luyện trong 3 buổi chiều trước khi hội mở.
Đặc biệt sân cầu phải được xới đất cẩn thận, dọn dẹp sạch sẽ. Làng cử hai cô gái trẻ đẹp, nết na, chưa chồng, mặc trang phục truyền thống của phụ nữ vùng Kinh Bắc, gánh nước từ sông đem đổ vào sân cầu có diện tích khoảng 200m2. Đồ gánh phải là đòn gánh cong, quang song và gánh bằng hai chĩnh gốm Thổ Hà.
16 quân cầu sẽ chia thành hai đội, vật cầu trong 3 tiếng. Một hốc đất sâu 80cm, rộng 50cm được đào ở cuối hai đầu sân để dùng làm "cầu môn" cho mỗi đội.
Để biết đội nào được chạm vào cầu trước, một thành viên được cử ra từ mỗi đội sẽ có màn đấu vật để quyết định. Sau đó, cuộc chơi bắt đầu.
Những thanh niên địa phương quấn khố tham gia hội vật cầu nước.
Lễ hội thường được tổ chức vào khoảng giữa tháng 4 âm lịch hàng năm.
Quả cầu gỗ có đường kính vào khoảng 40cm, nặng tới gần 20kg.
Mỗi đội tham gia đều cố gắng ghi bàn bằng cách mang quả cầu gỗ bỏ vào một hốc đất đào ở cuối sân cầu.
Sân cầu có diện tích vào khoảng 200m2, trước ngày diễn ra lễ hội, những cô gái bản địa gánh nước từ sông đổ vào khoảnh sân đã được xới đất cẩn thận, dọn dẹp sạch sẽ.
Quả cầu thường được giữ trong một gian đền và chỉ được phép lấy ra vào dịp lễ hội.
Tiếng trống vang lên trong suốt cuộc đấu khiến trận cầu thêm kịch tính. Người xem đều muốn có được vị trí đẹp để theo dõi trận cầu, họ không ngại bị nước bùn bắn vào người.
Trận cầu nước thể hiện niềm khao khát của cư dân nông nghiệp, mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Đội thắng cuộc mừng chiến thắng trên sân cầu, sân này nằm ngay phía trước một ngôi đền của làng.
Lễ hội diễn ra trong ba ngày, bên cạnh trận cầu nước kịch tính, người dân cũng thường đi lễ để cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp vào dịp này.