Bí ẩn dân tộc Thủy giữa đại ngàn Việt Bắc (Kỳ 2)

Văn Quân-Thứ tư, ngày 08/01/2014 23:56 GMT+7

Được xếp vào một trong những tộc người có số dân ít nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Từ những hủ tục lạc hậu và sống đói nghèo, đến nay, dân tộc Thủy đã có những thay đổi rõ nét...

‘ Mái nhà người dân tộc Thủy

Kỳ 2: Vượt rừng thiêng, phá lời nguyền tìm ánh sáng

Ông Lý Văn Lâm, Trạm Trưởng trạm Y tế xã Hồng Quang cho biết: Nhiều năm trước đây, người Thủy ở bản Thượng Minh quan niệm, trong nhà có người ốm đồng nghĩa với việc bị con ma trên rừng nhập vào quấy phá và việc duy nhất của họ là mời thầy mo mang theo hòn đá thiêng về cúng. Lễ vật của buổi lễ trừ tà thường là một con gà hoặc chiếc thủ lợn cùng với nải chuối với mấy bông hoa rừng.

Sau khi tắm rửa sạch sẽ, thầy mo ngồi xổm quay đầu về núi phía Mặt trời mọc, dùng ngôn ngữ Thủy cổ lẩm nhẩm đọc bài chú mời thần rừng về. Tiếp đó tiến đến gần chỗ người ốm nằm, ngồi xuống, đặt hai khuỷu tay trên đầu gối, hai bàn tay chìa ra nâng que gỗ buộc hòn đá thiêng, giữ im hòn đá trên đầu người ốm và tiếp tục đọc bài chú thứ 2 là bài chú mượn “uy” thần rừng để… “trục xuất” con ma ra khỏi người bệnh. Người nhà kính cẩn ngồi chắp tay quanh mâm đồ lễ. Buổi lễ diễn ra trong không khí tuyệt đối tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng lầm rầm khấn vái của thầy mo. Hòn đá thiêng treo dưới sợi dây bất chợt đung đưa và họ tin rằng như vậy thần núi đã về để “xử lý” con ma?!. Cuối cùng, thầy mo sẽ dùng một cánh lá hái trên rừng nhúng vào bát nước… “thiêng” lấy từ đỉnh núi rồi vẩy quanh giường người bệnh nhằm không để con ma rừng quay lại!? Khi buổi lễ kết thúc, gia chủ thường “lại quả” một nửa đồ lễ cho thầy mo.

Ông Lâm cho biết thêm, từ khi con đường vào bản được mở rộng, ông và 6 nhân viên trạm y tế xã phân công nhau thường xuyên vào tận nơi làm công tác tuyên truyền phá bỏ một số tập tục mê tín. Bên cạnh đó công tác khám chữa bệnh cho bà con dân bản cũng được ngành y tế huyện hết sức quan tâm nên được bà con dân bản ngày càng tin tưởng. Đến nay mặc dù tập tục cúng thầy mo vẫn còn duy trì nhưng hầu hết dân bản mỗi khi trong nhà có người ốm đều cố gắng khiêng người bệnh xuống y tế xã thuốc men điều trị.

Ở bản Thượng Minh, ông Lý Văn Ngọc (SN 1970) là người rất nổi tiếng, chẳng phải nhà ông có hàng chục con trâu bò hay có tòa ngang dãy dọc gì mà chỉ bởi ông là Đảng viên duy nhất của tộc người Thủy và có 4 người con đều dám “vượt qua” lời nguyền của núi rừng, tìm đến ánh sáng văn minh. Trầm ngâm bên bếp lửa, ông Ngọc chỉ về dãy núi cao như bức tường thành bao bọc bản làng: “Tổ tiên của tôi tin rằng thần linh ngự trị trên các đỉnh núi đó, chỉ có sống tại bản làng thì mới được các vị thần che chở nên ít khi người dám vượt núi tính kế mưu sinh”.

Cách đây vài năm, con đường nối từ bản tới trung tâm xã được mở rộng, đời sống dân bản khá lên từng ngày, ông Ngọc đã mạnh dạn cho cô con gái lớn, Lý Thị Toàn hạ sơn đi tìm tương lai.

‘ Lý Thị Toàn - Chủ tịch Hội LHPN xã Hồng Quang, một người con dân tộc Thủy

Ngày đầu tiên Toàn rời bản về tỉnh học trường Trung cấp Y, bà Múng Thị Thuỷ (dân tộc Pà Thẻn, mẹ của Toàn) và ông Ngọc lo lắng lắm. Nể lời bà ngoại của Toàn, họ nhờ thầy mo Kim dùng hòn đá thiêng kêu gọi thần linh phù hộ mang lại may mắn cho con mình. Chẳng biết do hòn đá thiêng của thầy mo Kim linh ứng hay nhờ công chịu khó học tập mà 2 năm sau Lý Thị Toàn hồ hởi mang tấm bằng tốt nghiệp đỏ chói về nhà. Sau 1 năm công tác tốt tại xã Hồng Quang, tới năm 2009, Toàn được người dân tín nhiệm bầu vào chức Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã.

Theo bước chân của chị, Lý Thị Hạnh, cô con gái thứ hai của ông Ngọc đã dùi mài kinh sử và thi đỗ vào Học Viện Hành Chính Quốc gia, theo học mãi tận Hà Nội. 2 cậu em trai cũng đang gắng sức theo nghiệp bút nghiên tại trường cấp 3 huyện. Tấm gương của chị em Toàn khiến nhiều gia đình dân tộc Thủy ở thung lũng Thượng Minh bây giờ đã cho con em vượt qua các dãy núi thần linh để tìm kiếm tương lai cho dân tộc mình.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước