Chút duyên với Bồ đề đạo tràng

Bài: Mai Chi; Ảnh: Doãn Hoàng-Thứ năm, ngày 08/08/2013 06:00 GMT+7

 Sau những chặng đường dài trên đất Ấn, cuối cùng chúng tôi cũng đã đến Bồ đề đạo tràng - thánh tích thiêng liêng nhất của Phật giáo, nơi Đức Phật đã ngồi thiền trong suốt 49 ngày để thành đạo.

Bồ đề đạo tràng nằm cách thành phố Patna (Ấn Độ) - thủ phủ của bang Bihar 96 km, nơi mà bất kỳ Phật tử nào cũng mong một lần được đến trong đời. Có 2 nơi tôn thờ quan trọng ở thánh tích này là Cây Bồ Đề và tháp Bồ Đề đạo tràng (Mahabodhi Temple).

Vào năm 2002, quần thể đền Mahabodhi (còn gọi là Đại giác ngộ tự) ở Bodh Gaya đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận Di sản văn hoá thế giới. Ngôi Tháp Đại Giác hùng vĩ đứng sừng sững với chiều cao khoảng 52m. Ngọn của Tháp có hình chóp nhọn vươn cao, bên trong có thờ xá lợi Phật. Mỗi bốn mặt của ngôi tháp với những tầng tháp nhỏ và có nhiều góc tường đặt tượng Phật bằng vàng, được khắc chạm tinh xảo.

‘ Thật may mắn, chúng tôi được chính đại sư Manor - trụ trì thánh tích Bồ đề đạo tràng dẫn đi chiêm bái những địa điểm quan trọng nhất. Đại sư Manor là người rất gắn bó với các Phật tử Việt Nam. Ông đã có 5 lần đến Việt Nam, gần đây nhất là vào tháng 8/2012, ông đã tới thăm Chùa Hương và có nhiều cuộc tiếp xúc, nói chuyện về đạo Phật.

Với sự chân tình và hết sức gần gũi, cởi mở, đại sư Manor dẫn chúng tôi vào chiêm bái bức tượng Thích ca Mâu ni lớn bằng vàng ở trong tư thế tay phải chạm đất, đã hàng nghìn năm tuổi. Sau khi hành lễ, cúi đầu lạy Phật, xin mọi điều an lành đến với các Phật tử Việt Nam, thật bất ngờ, đại sư Manor lấy ra những tấm vải dùng để may áo cà sa mà Phật tử cúng dường, đã được khoác lên mình tượng Phật ngàn năm, ban lộc cho chúng tôi.

‘ Chính điện lúc nào cũng chật cứng Phật tử đến từ nhiều nước như Thái Lan, Sri Lanka, Myanmar. Đông đảo hơn cả là các Phật tử Tây Tạng với bộ áo cà sa màu nâu đỏ. Như một duyên lành, chúng tôi đến đúng vào ngày các Phật tử Tây tạng tổ chức lễ hội ở Bồ đề đạo tràng.

Từ chiều, bạt ngàn hoa được giăng mắc, trang hoàng khắp nơi. Đại sư Manor cho biết, Phật tử Tây Tạng thường xuyên tổ chức lễ với hàng nghìn người nên ông bảo chúng tôi nán lại đến đêm để cùng tham dự. Nhìn những chú tiểu cạo trọc đầu, khoác áo cà sa vừa kết hoa vừa đùa nghịch, tươi cười trong nắng vàng, chúng tôi cũng như quên hết mọi vướng bận lòng trần, tâm hồn trở nên thư thái.

‘ Là một biểu tượng của sự phát triển Phật giáo, cây Bồ Đề liên quan mật thiết với sự chứng ngộ của Đức Phật, trở thành trung tâm chính của nơi thờ tự. Theo đại sư Manor thì cây bồ đề cổ thụ hiện nay chỉ là tái sinh nhiều đời của cội bồ đề mà đức Phật đã ngồi thiền 49 ngày thành đạo.

‘ Ước tính hiện nay, mỗi ngày có gần 1.000 khách hành hương từ mọi quốc gia và lãnh thổ đến viếng thăm, hành lễ, tụng kinh, ngồi thiền xung quanh gốc Cây Bồ Đề. Đại sư vừa giảng giải cho chúng tôi về bảy nơi linh thiêng mà Đức Phật đã trải qua bảy tuần yên tĩnh để hưởng thọ sự chứng ngộ, vừa dẫn chúng tôi tới tận nơi để chiêm ngưỡng.

Buổi lễ của Phật tử Tây Tạng bắt đầu ngay sau khi trời nhá nhem tối. Hàng nghìn Phật tử tay cầm nến đi vòng quanh đại tháp, tiếng tụng kinh lầm rầm của cả nghìn người cộng hưởng tựa như một bản hợp ca âm vang khắp không gian.

Thánh địa - một lần tôi đến để không bao giờ quên!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước