Đầu năm, lên cao nguyên Bắc Hà khám phá đua ngựa

Nguyễn Văn Học-Thứ sáu, ngày 31/01/2014 12:35 GMT+7

Bắc Hà - xứ hoa mận trắng của Lào Cai đâu chỉ duyên dáng với những mùa hoa, mà còn nổi tiếng bởi rượu ngô và thắng cố. Chưa hết, những mùa nương rẫy bội thu của các thôn bản nằm cheo leo bên các sườn núi còn có sự góp sức của những chú ngựa thồ dẻo dai. Mùa đua ngựa đến, chúng lại trở thành những chú chiến mã dũng mãnh, mang vinh quang về cho chủ.

Những "kị sĩ chân đất"

Mùa xuân, đến tìm những người từng tham gia các cuộc đua ngựa trên cao nguyên Bắc Hà chẳng khó khăn gì. Ở các xã như Na Hối, Tả Van Chư, Bản Phố… hầu hết những người đàn ông khỏe mạnh đều từng một lần đua ngựa. Cụ Sèn Diu Phử, một kị sĩ chân đất từng tham gia các cuộc đua ngựa bắn súng ở chân núi Ba Mẹ Con, cạnh dinh thự Hoàng A Tưởng cho biết: “Không phải bây giờ trai tráng mới đua ngựa đâu. Từ ngày tui sinh ra đã thấy cha tui đua ngựa rồi. Lớn lên là một chàng trai ngực chắc như cây lim cũng nhảy lên lưng ngựa mà đua. Không có yên, toàn những người chân đất, có ngựa khỏe thì đua cho vui”.

‘ Một lễ hội đua ngựa ở cao nguyên Bắc Hà (Ảnh: Đại biểu nhân dân)

Cụ Phử cho biết thêm, các giải đua ngựa được tổ chức bài bản, vô cùng vui nhộn. Vài chục người cưỡi ngựa, được phát súng và 5 viên đạn. Sau khi tiếng trống hiệu vang lên, mọi người xuất phát, bắn vào mục tiêu đã được định sẵn 5 phát, rồi cướp quả cầu đỏ ở vạch đích, sau đó nhảy lên ngựa, về vạch xuất phát. Ai nhanh hơn, bắn trúng nhiều hơn thì người đó thắng. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh, giặc dã hoành hoành, các cuộc thi không được tổ chức thường xuyên, rồi ngừng hẳn. Những quán quân trở thành huyền thoại, cứ cần mẫn lao động, nuôi ngựa, chờ ngày khôi phục giải và họ chưa bao giờ thôi hi vọng.

Mùa xuân năm 1975, mừng ngày thống nhất đất nước, xứ Bắc Hà tổ chức đợt diễu hành kỉ lục, gồm 300 chiến mã hùng dũng, oai phong, vốn thường ngày là những chú ngựa thồ leo núi. 5 năm sau, Ban chỉ huy Quân sự huyện Bắc Hà lại tổ chức giải, chọn ra những xạ thủ, kị sĩ giỏi. Ông Ly Seo Thống ngày đó trở thành quán quân, được ca ngợi hết mực. Nhưng tiếc thay, giải lại tiếp tục bị gián đoạn.

Phải 27 năm sau, năm 2007, Lễ hội đua ngựa truyền thống Bắc Hà mới chính thức được phục dựng trở lại, là hoạt động văn hóa đặc sắc hưởng ứng chương trình "Hợp tác phát triển du lịch" của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. Mỗi cuộc đua đều ghi danh một tên tuổi. Cụ thể, đó là: anh Lâm Văn Sơn (xã Na Hối), quán quân năm 2008; Vàng Văn Thức (xã Na Hối), quán quân năm 2009; Ly Seo Áo (xã Bản Phố) quán quân năm 2010; Vàng Văn Huỳnh (xã Na Hối) quán quân năm 2011, 2012. Năm 2013, Vàng Văn Huỳnh tiếp tục giành giải cao nhất của cuộc thi.

Chia sẻ về những chiến thắng, anh Huỳnh cho biết: “Người dân chúng tôi có đam mê và có niềm vui. Mỗi cuộc đua là mỗi lần khích lệ, vừa để vơi đi mệt nhọc. Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi anh em chúng tôi đều ý thức rèn cho ngựa tốt. Ngựa tốt không chỉ biết thồ hàng, leo núi giỏi, mà phải mang vinh dự về cho gia đình, dòng họ nữa”.

Bí quyết chọn ngựa

Bắc Hà là cái nôi nuôi ngựa chiến vùng Tây Bắc, sản sinh ra biết bao nhiêu chú ngựa thồ từ thời đường xá còn khó khăn, phương tiện đi lại chủ yếu dùng ngựa. Nay, đường xá tương đối tốt, một phần ngựa được nuôi lấy thịt, chở hàng và đồ nông sản trong núi sâu, người dân nuôi và chăm sóc ngựa còn thêm mục đích để đua. Ngoài tham gia những lễ hội chính, vào mùa xuân hay những lúc nông nhàn, ở một số bản làng, thanh niên trai tráng vẫn cho ngựa đua thử, đua tập để nhớ đường đua. Và chắc chắn, những chú ngựa giành được chiến thắng, ngoài sức vóc ra thì một phần rất lớn phụ thuộc vào thời gian tập luyện.

Ông Vàng Văn Hoàng, một người nuôi ngựa giỏi ở Na Hối, bố của nhà vô địch nổi tiếng xứ Bắc Hà, Vàng Văn Huỳnh cho biết: “Một chú ngựa tốt là khi nhìn vào ai cũng nhận ra ngay độ nhanh nhạy của nó trong dáng trường, vóc đẹp. Nó cao lớn, vó vừa dài vừa thẳng, vồng ngực nở nang, bụng gọn và thon, hai mắt tròn to, bước đều… Và chắc chắn, đó phải là chú ngựa đực, có tuổi từ 4 đến 6 năm. Đây được cho là khoảng thời gian sung sức nhất của những chú ngựa chiến”.

Tuy nhiên, cũng có người nuôi thâm niên cho biết, trên các sườn núi Bắc Hà có cây hồng mi, là một loại kê độc đáo mà người dân lấy hạt về ủ men, kết hợp với ngô nương làm nên thứ rượu nồng nàn, con ngựa nào được ăn nhiều cây hồng mi sẽ tốt cho sức khỏe và dẻo dai. Một số khác cho biết, sức bền của ngựa trên đường đua một phần phụ thuộc vào khả năng uống rượu của ngựa.

‘ Những chú ngựa thồ thường ngày trở nên dũng mãnh trong từng cuộc đua (Ảnh: Đại biểu nhân dân)

Ông Hoàng vừa đùa vừa thật, chỉ ra: “Nói thì tức cười, nhưng nếu con ngựa nào biết ăn bã rượu thì con đó da dẻ hồng hào, gân guốc chắc, có thể làm nên những phút quyết định. Trên đường đua, nó nhanh đã đành nhưng lại khéo để không chệch đường hoặc bị vấp ngã, rồi còn hiểu được ý chủ những lúc gần về đích để tăng tốc”.

Ở xã Na Hối còn có ông Vàng Văn Cột (dân tộc Tày), thâm niên nuôi ngựa hơn 20 năm nay và là người cung cấp ngựa tốt cho nhiều kị sĩ. Ông Cột tâm sự: “Ngựa là giống khôn, người yêu quý chúng thì chúng cũng yêu quý lại. Trong đời sống thường ngày nó là con vật gắn bó, không thể thiếu đối với mỗi gia đình. Nếu ta coi nó như thành viên trong gia đình, cho ăn uống, chải chuốt và luyện tập, nó sẽ trung thành. Trước mỗi kì thi đấu không nên cho nó tiếp xúc với các nàng ngựa cái để khỏi mất sức, hoặc tiếp xúc với ngựa lạ để khỏi học tính hoang dã, trên đường đua không nghe chủ”.

Ấy thế, không phải bao giờ Bắc Hà cũng đủ ngựa tốt dành cho các cuộc đua. Nhiều người phải đi “săn” ở những vùng khác, tuyển ngựa về thuần phục, dạy đua, tạo nên “đai đẳng” cho mỗi chú. Kì công, mất nhiều tiền bạc, nên những chú ngựa đó luôn là niềm tự hào cũng là sự kì vọng rất lớn của gia chủ. Mỗi kị sĩ có cách chăm sóc và làm bạn với chú ngựa của mình theo một cách riêng. Đồng thời, những ngày trước khi đi thi, những chú ngựa được quan tâm đặc biệt, được dồn sức cho ăn uống đầy đủ hơn, chải chuốt, tắm gội sạch sẽ hơn. Có chú còn được chủ gắn tai nghe nhạc sàn vào bờm để kích thích độ sung mãn, có chú được chủ miễn vài ngày làm việc, cho xuống chợ huyện chơi, ăn những bó cỏ tươi.

Cười trên lưng ngựa

‘ Người dân Bắc Hà làm giàu đời sống tinh thần của mình bằng những cuộc đua ngựa hồi hộp và sảng khoái (Ảnh: Đại biểu nhân dân)

Bắc Hà huyền bí, còn biết bao điều cần phải khám phá. Ngay cả bí kíp nuôi ngựa thành công, không phải chủ ngựa nào cũng sẵn sàng chia sẻ. Song với những gì đang diễn ra, người dân đang thắp lên trong đời sống tinh thần của mình khát khao hòa nhập thiên nhiên, sống hòa đồng, vui vẻ. Những cuộc đua thắp lên niềm vui, xua đi cái mệt mỏi, nhàm chán của một quãng thời gian lao động vất vả.

Họ cưỡi ngựa đi thi, cười và hi vọng. Họ làm giàu có đời sống tinh thần của mình bằng những cuộc đua hồi hộp và sảng khoái. Họ chơi hết mình, chơi nhiệt tình. Vậy nên, mùa đua ngựa cũng là mùa cười vui, mùa hi vọng của bà con các dân tộc thiểu số vùng cao Bắc Hà và các huyện lân cận.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước