Các tác phẩm điêu khắc về những thứ đã biến mất: từ những loài động vật bò sát đến các công trình kiến trúc hoặc một số đồ vật không còn tồn tại trong cuộc sống ngày nay… Những bức tượng khủng long, các loài bò sát và voi ma mút được chạm khắc phức tạp từ cát là những tâm điểm chú ý đối với du khách khi tới chiêm ngưỡng những tác phẩm trong cuộc thi Thế giới đã mất.
Các nghệ sĩ điêu khắc cát từ khắp nơi trên thế giới đã tới Australia để phục dựng lại những kỳ quan kiến trúc, các loài động vật đã tuyệt chủng hoặc những vật dụng lỗi thời. Qua đó, truyền tải thông điệp về ý thức giữ gìn, bảo tồn những tài sản thiên nhiên và nhân tạo mà thế giới đang sở hữu trong thời đại ngày nay. Mỗi thí sinh bắt đầu tác phẩm của mình với khoảng 20 tấn cát đặc và phải hoàn thành ý tưởng sáng tạo của mình trong giới hạn 3 ngày.
Công cụ để các nghệ sĩ sử dụng thực hiện tác phẩm của mình cũng rất đa dạng, ngoại những đồ vật chuyên dụng, có người còn dùng cả bộ dụng cụ nha khoa, đồ dùng nhà bếp để làm khuôn phù hợp nhất với tạo hình của các chi tiết bằng cát.
Nhiều du khách Australia lần đầu tiên được trực tiếp nhìn thấy các tác phẩm này ngoài đời thực và hầu hết đều vô cùng ngưỡng mộ. Người dành chiến thắng của cuộc thi là nghệ sĩ Australia Jino Van Bruissenen với giải thưởng là 5000 đô la Úc, tương đương với 4468 USD.
Nghệ sĩ Bruissenen, Australia chia sẻ: “Đây không chỉ là một cuộc thi điêu khắc dành cho những người yêu nghệ thuật và sự sáng tạo, mà ý nghĩa hơn là nó gợi cho người ta đến cảm giác nuối tiếc những điều đã bị mất đi của thế giới này mà trân trọng thứ đang có”.
Đây là năm thứ hai liên tiếp nghệ sĩ Bruissenen giành chiến thắng trong cuộc thi này. Ông hi vọng điều đó sẽ giúp khẳng định thương hiệu, tài năng của các nhà điêu khắc Autralia. Cuộc thi điêu khắc cát là một sự kiện thường niên được tổ chức mỗi năm một lần mang các chủ đề khác nhau. Bên cạnh ý nghĩa xã hội, đây còn là một hoạt động quảng bá du lịch của Windsor. Khi đến đây, khách tham quan cũng có thể tự tay làm nên các bức tượng từ chất liệu cát có sẵn.