Du lịch đường sông - Hướng đi mới của TPHCM

Trọng Ninh-Thứ sáu, ngày 20/12/2013 19:21 GMT+7

Du lịch đường sông đang trở thành hướng đi mới và được tập trung phát triển trong thời gian tới tại TP.HCM để đáp ứng với lượng khách du lịch tới đây ngày một tăng.

Lượng khách ngày một tăng nhanh tại TP.HCM khiến các loại hình kinh doanh du lịch đường bộ tại đây đã không còn đủ sức đáp ứng. Để tháo gỡ những bế tắc này, hàng chục tỷ đồng đang được chính quyền thành phố cùng các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư vào du lịch đường sông.

Tuy nhiên, để có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển loại hình này một cách bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách thì những vấn đề đặt ra còn khá nhức nhối không chỉ đối với ngành du lịch. Sau đây là ghi nhận của phóng viên VTV thông qua chuyến khảo sát đường sông cùng các DN để xúc tiến dự án này.

Theo nhận định của một số doanh nghiệp, lượng khách đến với du lịch đường sông đang có xu hướng tăng mạnh. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng nếu không muốn loại hình du lịch này bị phát triển manh mún, tự phát thì việc ưu tiên số một phải là đầu tư cho quy hoạch hệ thống cầu tàu, nhà chờ và bến đậu có sự quản lý chặt chẽ như vậy mới mong khắc phục được những hạn chế hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Giám Đốc Cty TNHH Dịch vụ Du lịch Sài Gòn River Tour cho biết:“Hiện tại, mình chỉ tập trung được tại bến Bạch Đằng để trả khách và đón khách, nhưng tình hình neo đậu thì vẫn khó, điểm dừng chân cũng nhiều hạn chế. Và các DN tự làm theo khả năng của mình”.

Khoảng 11.000 tỷ đồng từ ngân sách và các tổ chức xã hội, cùng nhiều dự án do các các doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư vào xây dựng, cải tạo hệ thống cầu cảng cùng các dịch vụ đi kèm, thành phố đang hy vọng sẽ sớm giải quyết được bài toán cung không đủ cầu, đồng thời là cơ hội để loại hình du lịch này tăng doanh thu lên 30% mỗi năm.

Theo Ông Lã Quốc Khánh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP.HCM, hiện thành phố đã vận động được các DN và nhiều thành phần kinh tế tham gia. 7 dự án cầu tàu được đầu tư bằng vốn của nhà nước. 25 cầu khác do các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này đầu tư xây dựng. Từ năm 2013- 2015 sẽ có khoảng 32 cầu tàu được triển khai để tạo tiền đề thúc đẩy phát triển du lịch đường sông.

Như vậy, đến hết năm 2015, thành phố sẽ cơ bản hoàn thành việc cải tạo và xây mới 50 bến đón tàu, cầu tàu và phát triển thêm nhiều điểm tham quan trên các tuyến du lịch này.

Với 80 km chạy qua địa phận TP.HCM, sông Sài Gòn hứa hẹn cơ hội đầu tư phát triển du lịch. Dự án du lịch đường sông được xem là một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ những bế tắc cho tình trạng thiếu điểm đến khi mà lượng khách đến thành phố ngày càng tăng. Tuy nhiên, vấn đề này cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Đó là vấn đề an toàn giao thông đường thủy sẽ phải được củng cố ra sao khi lượng tàu khách tăng lên gấp nhiều lần so với hiện nay. Đó là khả năng cung cấp dịch vụ tiện nghi tại các điểm đến sẽ như thế nào... Nhưng trước mắt, du lịch đường sông hiện còn đối mặt với một thách thức cũng không hề nhỏ.

Ông Lã Quốc Khánh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP.HCM chia sẻ: “Thách thức lớn nhất khiến dự án khó triển khai là vấn đề vệ sinh môi trường. Dọc theo kênh tẻ, kênh đôi (Đại lộ Đông Tây) có rất nhiều đoạn đi qua chưa đủ điều kiện để được coi là điểm tham quan, đặc biệt là vấn đề vệ sinh, lối sống của cộng đồng dân cư tại một số điểm đến”.

Để du lịch đường sông được khai thác một cách hiệu quả, xứng với tiềm năng, lợi thế đang có thì cần hơn đó là sự vào cuộc sớm của các ban ngành thành phố, đặc biệt là du lịch, giao thông vận tải và tài nguyên môi trường, tránh tình trạng phát triển “nóng” dẫn đến hậu quả khó lường khi loại hình này chính thức khởi sắc.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước