Là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi, với các điều kiện tự nhiên và địa lý thuận lợi, Lý Sơn được coi là một trong những huyện có thế mạnh vừa khai thác tài nguyên biển kết hợp phát triển du lịch. Đề án du lịch cộng đồng đã được Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi xây dựng, tuy nhiên, tính khả thi không cao bởi còn nhiều vướng bận về quan niệm tâm linh của người dân nơi đây.
‘ Du khách được sinh hoạt và tìm hiểu văn hóa của người dân bản địa qua hình thức du lịch homestay. (Ảnh minh họa)
Homestay là mô hình du lịch mà du khách sẽ được đến ở nhà của người bản xứ, được tham gia các hoạt động như chính người thân trong gia đình. Đây được coi là một loại hình du lịch khá hấp dẫn, thú vị bởi du khách được khám phá văn hóa, đời sống của cư dân bản địa. Đối với những địa phương khác trên cả nước thì mô hình du lịch này đang có xu hướng phát triển mạnh.
Tuy nhiên, khi áp dụng mô hình này tại các nhà cổ ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi thì vướng nhiều khó khăn. Trong đó, cái khó nhất là quan niệm tâm linh, sự trong sạch nơi thờ cúng ông bà.
Ông Lê Lý, thôn Đông, xã An Hải, huyện Lý Sơn, cho biết: “Theo phong tục và tập quán của dân trên đảo, chúng tôi có truyền thống thờ cúng ông bà tổ tiên một cách rất là nghiêm túc. Nhưng đối với khách châu Âu, phong tục của họ rất khác mình, nhiều khi họ mặc quần ngắn, mang giày đi vào, mình cho họ thuê phải chiều theo họ, làm gì là quyền của họ”.
Là một trong 24 ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm của huyện đảo, ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Hạp ở thôn Đông, xã An Hải có lối kiến trúc rất độc đáo. Với kiến trúc kiểu nhà rường đủ gỗ, mái đắp, diện tích ngôi nhà rất rộng nhưng không gian thờ cúng ông bà, tổ tiên, tín ngưỡng chiếm đa phần. Vì vậy, ngoài trăn trở về sự tương đồng văn hóa giữa du khách và chủ nhà, ông Nguyễn Hạp rất boăn khoăn về chỗ ăn, ở và ai sẽ là người hướng dẫn thông tin, đón đưa du khách.
‘ Tìm hiểu văn hóa, lối sống của người dân tại các điểm du lịch khiến du khách rất thích thú. (Ảnh minh họa)
Ông Nguyễn Hạp cho biết: “Đối với người dân Lý Sơn, phần nhiều không muốn tiếp khách, thứ nhất là họ sợ mất tín ngưỡng của gia đình, thứ hai là phiền phức không có người phục vụ”.
Làm du lịch cộng đồng vừa tạo thu nhập, phát triển kinh tế, vừa tạo công ăn việc làm cho dân. Tuy nhiên, với những vướng mắc về tâm linh, về quan niệm của người dân đảo, tỉnh Quảng Ngãi cần có giải pháp thiết thực và phù hợp để người dân thỏa mái hơn khi tham gia vào mô hình này.
Để du lịch cộng đồng phát triển, người dân luôn đóng vai trò là chủ thể. Việc làm thế nào để dung hòa giữa thuần phong, mỹ tục của con người Lý Sơn đối với du khách là một bài toán khó đối với những người tổ chức du lịch. Khi những vướng mắc đã được giải quyết thì mô hình homestay sẽ là sản phẩm du lịch đầy tiềm năng tại huyện đảo Lý Sơn.